John Bordne là sĩ quan không quân Mỹ, đóng tại một trong 4 căn cứ tên lửa bí mật mà Washington bố trí ở Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, thời kỳ Chiến tranh Lạnh, RT dẫn thông tin từ Bulletin of the Atomic Scientists cho hay.
Bordne, hiện 74 tuổi, tiết lộ, Việt Nam cùng một số nước khác như Trung Quốc, Triều Tiên và Nga suýt chút nữa đã trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công hạt nhân từ Mỹ vào rạng sáng ngày 28/10/1962. Khi đó, đơn vị của ông, chịu trách nhiệm quản lý và điều khiển 32 tên lửa hành trình Mace B, nhận được lệnh khai hỏa một cách khó hiểu.
Theo lời kể của Bordne, đại úy William Bassett, chỉ huy tại căn cứ ông đóng quân, được yêu cầu phóng tên lửa Mace B mang bom nhiệt hạch Mark-28 vào các mục tiêu Vladivostok, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng và Hà Nội. Mỗi quả bom nhiệt hạch Mark-28 có sức công phá lớn gấp 70 lần các quả bom nguyên tử dội xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản hồi tháng 8/1945.
Ngoài Bassett, các chỉ huy của ba căn cứ khác cũng nhận được lệnh tương tự. Tuy nhiên, Bassett cảm thấy có điều gì đó không đúng. Theo luật quân đội, tên lửa hạt nhân chỉ được khai hỏa khi các lực lượng Mỹ đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu DEFCON 1 (Cuộc chiến tranh hạt nhân không thể tránh khỏi). Tuy nhiên, căn cứ của ông mới đang trong trạng thái DEFCON 2 (Bên bờ vực chiến tranh hạt nhân). Ngoài ra, việc ba trong 4 mục tiêu tấn công từ mệnh lệnh mà ông nhận được đều không thuộc lãnh thổ Liên Xô càng khiến Bassett nghi ngờ.
Tất cả các tên lửa đều sẵn sàng rời bệ phóng nhưng Bassett vẫn trì hoãn hành động. Ông lệnh cho hai binh sĩ bắn một viên trung úy nếu người này khăng khăng cố tình phóng tên lửa khi chưa nhận được sự chấp thuận của sĩ quan chỉ huy trên chiến trường hay yêu cầu nâng cấp tình trạng sẵn sàng chiến đấu lên DEFCON 1.
Bassett gọi điện về trung tâm chỉ huy để xác nhận lại. Sĩ quan cấp trên lập tức nhận ra sai sót của mình, yêu cầu hủy bỏ ngay lệnh phóng. Đại úy Bassett đã kịp thời ngăn chặn một cuộc Chiến tranh Thế giới thứ III nổ ra. Dù vậy, đơn vị của Bassett và Bordne về sau vẫn bị triệu tập trước tòa án quân sự vì hành vi bất tuân mệnh lệnh thượng cấp.
Theo Bulletin of the Atomic Scientists, Bassett qua đời vào năm 2011 nhưng ông không hé lộ bất cứ thông tin gì về sự việc trên.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về Chiến tranh Lạnh và khủng hoảng hạt nhân Cuba, mà Bulletin tham vấn, câu chuyện của Bordne tuy chưa được giới chức xác nhận, vẫn rất đáng tin cậy bởi tính chi tiết và sát thực tế. Những người quan tâm đến câu chuyện này đã yêu cầu nhà chức trách Mỹ điều tra và công bố để công chúng có thể biết điều gì đã diễn ra. Trong lịch sử cũng từng có những vụ suýt xảy ra tấn công hạt nhân và được ngăn chặn, chẳng hạn sự kiện năm 1962 trong đó một sĩ quan hải quân Nga được cho là đã giúp tránh được một cuộc phát động tấn công hạt nhân từ tàu ngầm.
Vũ Hoàng