Tại một bệnh viện ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, nhân viên cứu hộ tình nguyện người Syria đang nằm vật vã trong đau đớn với vết thương nặng ở đầu gối. Anh nhận nó sau một cuộc không kích tại Raqqa, thành phố miền đông bắc Syria và là thành trì của phiến quân Hồi giáo cực đoan. Đây là thành phố có dân số nửa triệu người nằm bên bở sông Euphrates. Các nhà báo đã bị cấm tiếp cận khu vực này từ khi IS chiếm đóng nơi đây hồi đầu năm.
Sự việc của nhân viên cứu hộ kể trên và câu chuyện từ những người may mắn thoát ra từ Raqqa đã làm sáng tỏ câu hỏi về cuộc sống của dân chúng dưới sự cai trị của nhóm khủng bố IS, đồng thời cho thấy thách thức mà liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu phải đối mặt nếu muốn "tiêu diệt hoàn toàn" lực lượng này chỉ bằng các cuộc không kích.
Theo những người sống sót kể lại, quân chính phủ Syria cũng áp dụng phương pháp này nhưng thực tế chỉ cướp đi mạng sống của phần lớn dân thường trong khi các tay súng jihad thuộc IS ít bị ảnh hưởng.
"Tình hình ở Raqqa thật như một thảm kịch", Zakharia, bênh nhân đang trong cơn đau đớn sau cuộc phẫu thuật, nói. "Bệnh viện ở đó không có đủ thuốc men và trang thiết bị. Người dân Raqqa sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn trốn chạy tới Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi không có bất kỳ phương cách nào để duy trì cuộc sống. Đường qua biên giới gần nhất đã bị đóng".
Zakharia được phép vượt biên vào Thổ Nhĩ Kỳ qua cửa khẩu thường bị niêm phong Akcakale bởi thương tích quá nghiêm trọng của anh. Tuy nhiên, thành viên của IS thì khác. Họ dường như tiếp cận rất dễ dàng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm này đã thiết lập được một tuyến đường bí mật từ Tal Abyad, Syria đến Ackakale trong vài tháng gần đây. Tay súng IS chỉ việc bước qua vài cánh cửa là có thể yên tâm điều trị trong một căn phòng riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính quyền Syria đã đẩy mạnh chiến dịch tấn công vào các thành trì của IS như Raqqa trong nỗ lực nhằm thuyết phục phương Tây rằng họ là đối tác quan trọng trong kế hoạch diệt trừ IS. Dân chúng Raqqa và các nhà hoạt động ở đây thì cho rằng phần đông những người bị giết bởi lực lượng này lại là dân chúng vô tội.
Những người bị giết trong thầm lặng
"Từ giữa tháng 8 tới nay, chúng tôi ghi nhận được hơn 150 cuộc không kích và 10 cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào tỉnh Raqqa", CSM dẫn lời Abu Ibrahim, nhà hoạt động người Syria, chuyên theo dõi hành vi tội ác của IS, nói.
"Hầu hết người bị ảnh hưởng là dân thường", một người đàn ông đề nghị được giấu tên cho hay. Ông là thành viên của tổ chức Bị Giết trong Thầm lặng ở Raqqa, họ ước tính có khoảng 225 người dân ở đây đã thiệt mạng trong các cuộc không kích suốt một tháng qua.
Các đợt dội bom nhằm vào Raqqa trở nên dày đặc khi IS chiếm được sân bay Tabqa. Đây là căn cứ cuối cùng của quân chính phủ Syria trong khu vực. Nhà hoạt động địa phương cho biết IS giết hại khoảng 400 tù nhân chính phủ chỉ riêng trong ngày 28/8 ở ba cuộc hành quyết khác nhau.
"Trước đây quân chính phủ thường tấn công một lần trong tuần. Giờ đây họ thực hiện 5 đến 7 vụ chỉ trong một ngày", Abu Ahmed, người dân Raqqa mới chuyển đến Akcakale vào tháng trước cùng vợ con, nói. Anh quyết tâm phải thoát khỏi đây sau khi chứng kiến cái chết của 5 người trong gia đình hàng xóm sau cuộc không kích của quân chính phủ.
"Ngày nào cũng có phi cơ tấn công và dân thường thiệt mạng nhưng người ta không biết tới bởi IS cấm quay phim, chụp ảnh", Umm Ali, người dân địa phương nói. "Bây giờ, khi quân chính phủ đã mất toàn bộ căn cứ ở Raqqa, họ càn quét khắp mọi nơi, không quan tâm đó là đâu".
Ngày 6/9, một cuộc không kích khác nhắm vào phố Tal Abyad ở Raqqa, nơi người dân thường tới để mua rau, giết hại 50 người vô tội, theo số liệu từ nhóm các nhà hoạt động địa phương. Đây là cuộc tấn công tồi tệ nhất tính tới thời điểm này.
Cuộc không kích làm bị thương 15 thành viên của IS, theo người dân sống quanh khu vực kể lại. Nhưng báo cáo của chính phủ và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh lại vẽ nên một bức tranh hoàn toàn khác. Tổ chức này cho biết 9 kẻ hoạt động cho IS bị giết.
Chính vì lúc nào cũng phải nơm nớp lo sợ vì cuộc sống hàng ngày đối mặt quá nhiều hiểm nguy nên nhiều người dân luôn mong muốn thoát khỏi những khu vực dưới quyền kiểm soát của IS.
Hàng trăm người Syria chạy trốn tới Thổ Nhĩ Kỳ thông qua cửa khẩu Kilis. Những người từ Raqqa cho hay họ phải mất 17 tiếng di chuyển vòng vèo, tránh những nơi xung đột và chốt chặn của IS để có thể hoàn thành hành trình dài hơn 300 km này. Những gia đình với đầy đủ giấy tờ cần đợi hàng giờ và đăng ký trước nhiều ngày mới có thể qua được cửa khẩu. Số còn lại buộc phải di chuyển bằng con đường bất hợp pháp. Nếu đi lậu, họ phải tốn ít nhất 100 USD một người và có nguy cơ bị trao trả về nơi khởi hành nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện, theo CSM.
Các cuộc không kích mở rộng sắp tới từ Mỹ vừa là hy vọng nhưng cũng là nỗi sợ hãi đối với người dân sống dưới sự cai trị của IS. "Xin anh nói với họ rằng hãy tập trung dội bom các căn cứ của chúng chứ đừng động tới khu vực dân cư", một người đàn ông đang sống tại Tal Abyad thì thầm qua điện thoại trong cuộc phỏng vấn.
Không phải tất cả mọi người đều mong muốn IS bị đánh bại. Một phụ nữ trùm kín trong bộ quần áo màu đen ở cửa khẩu Kilis hoàn toàn phản đối hành động không kích của Mỹ. "Đây rõ ràng là cuộc chiến chống lại Hồi giáo. Nếu không phải như vậy thì Mỹ đã bước tới và cứu giúp người Hồi giáo ở Syria từ lâu rồi", cô nói lớn.
Những người khác lại hoan nghênh sự thay đổi chính sách của Washington, "Hãy để họ tấn công và giải thoát chúng tôi khỏi vấn đề này", một thanh niên trẻ mới trốn thoát khỏi Raqqa, đang xếp hàng tại cửa khẩu Kilis, nói.
Người đàn ông khác, khoảng 40 tuổi, nhanh chóng nhắc nhở: "Anh muốn Syria giống Iraq ư? Anh đã thấy Afghanistan trở nên như thế nào chưa?". Người thanh niên cười rồi đáp lại: "Có thể lần thứ ba sẽ khác chăng".
Vũ Hoàng (theo CSM)