Ngày 22/10, một lính đặc nhiệm Mỹ đã thiệt mạng khi tham gia cuộc đột kích bất ngờ, táo bạo vào một căn cứ của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) để giải cứu tù nhân sắp bị phiến quân hành hình. Đây là lính Mỹ đầu tiên tử trận trên chiến trường Iraq kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi nước này vào năm 2011, Wall Street Journal đưa tin.
Cầu cứu trong đêm
Theo tờ Foreign Policy, cuộc giao chiến giữa lính Mỹ và phiến quân IS không phải là hành động đã được lên kế hoạch từ trước. Đặc nhiệm Mỹ chỉ đưa ra quyết định giao chiến vào phút chót của cuộc đấu súng giữa dân quân người Kurd và phiến quân IS.
Theo đó, 30 lính đặc nhiệm Mỹ - được cho là thuộc lực lượng đặc nhiệm Delta của lục quân - đang thực hiện nhiệm vụ cố vấn và hỗ trợ cho dân quân người Kurd (Peshmerga) ở gần thị trấn Hawijah, phía nam tỉnh Kirkuk vào sáng thứ năm. Tuy nhiên một biến cố đã xảy ra buộc đặc nhiệm Mỹ phải trực tiếp ra tay tham chiến, một quan chức quân sự Mỹ tiết lộ.
Tình báo Mỹ phát hiện thấy những hố chôn tập thể lớn đã được đào bên trong một căn cứ của phiến quân IS ở gần đó, và họ dự đoán rằng những tù nhân bị giam giữ trong căn cứ này có thể bị hành quyết vào sáng sớm ngày hôm sau. Peshmerga quyết định thực hiện chiến dịch giải cứu vì tin rằng trong số những tù nhân này có các chiến binh người Kurd.
Đặc nhiệm Mỹ với vai trò là cố vấn đã giúp Peshmerga lên kế hoạch giải cứu. Cuộc đột kích diễn ra vào nửa đêm. Họ và các chiến binh người Kurd lên các trực thăng Night Stalker của trung đoàn đặc nhiệm không quân 160 của quân đội Mỹ, đổ bộ xuống gần căn cứ có tường rào bao quanh của IS. Đặc nhiệm Mỹ ẩn nấp tại các vị trí kín đáo sau một bức tường để quan sát cuộc tấn công của Peshmerga.
Tình hình thay đổi nhanh chóng khi dân quân người Kurd đọ súng với phiến quân IS ẩn nấp trong căn cứ. Từ sau bức tường, họ thấy rõ các chiến binh Peshmerga bị hỏa lực mạnh của IS chế áp và không thể tiến được vào căn cứ. Bị bắn dữ dội, Peshmerga quyết định cầu cứu đặc nhiệm Mỹ. "Lời cầu cứu đó được đưa ra ngay trên chiến trường", quan chức quốc phòng giấu tên của Mỹ cho hay.
Đây là lần đầu tiên Peshmerga yêu cầu Mỹ giúp đỡ trong một chiến dịch giải cứu con tin. 30 đặc nhiệm Mỹ có mặt tại hiện trường đã nhanh chóng đưa ra quyết định, và đây là lần đầu tiên lính Mỹ trực tiếp tham chiến với phiến quân IS trên chiến trường Iraq.
Trong lúc trận đọ súng diễn ra, một đặc nhiệm Mỹ đã bị trúng đạn và bị thương nặng. Anh này lập tức được chuyển bằng trực thăng tới Irbil nhưng không qua khỏi. Danh tính và cấp bậc của anh vẫn chưa được Lầu Năm Góc công bố, và các quan chức mô tả anh là một đặc nhiệm giàu kinh nghiệm.
San phẳng
Sau cuộc giao tranh, dân quân người Kurd cho biết khoảng 20 phiến quân IS bị tiêu diệt, và không có dân thường nào bị thương vong. Peshmerga và đặc nhiệm Mỹ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng 70 tù nhân bị giam trong căn cứ này không phải là dân quân người Kurd.
Họ phần lớn là các thường dân người Sunni từ thị trấn gần đó, cùng với 20 nhân viên an ninh Iraq. Ngoài ra, trong nhà giam còn có ít nhất 6 chiến binh IS bị phiến quân buộc tội làm gián điệp và sắp bị xử tử. Sau cuộc đột kích, máy bay F-15 của Mỹ đã được điều đến và ném bom san phẳng căn cứ.
Các quan chức quốc phòng Mỹ đã không thể đưa ra lời giải thích rõ ràng vì sao cuộc đột kích được tiến hành, bởi không có mục tiêu "giá trị cao" nào được cho là ở trong căn cứ này. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết quân đội Mỹ "không biết rõ ai đang ở trong căn cứ" khi đặc nhiệm đổ bộ xuống gần đó.
Một tuyên bố do IS đưa ra sau đó cho rằng "chiến dịch thất bại" này đã khiến nhiều lính Mỹ và dân quân người Kurd bị chết và bị thương, đồng thời cáo buộc Mỹ đã đánh bom nhà tù khiến hàng chục "tù nhân" bên trong thiệt mạng.
Câu hỏi về vai trò của Mỹ
Cuộc đột kích trên làm dấy lên câu hỏi về vai trò của lực lượng Mỹ ở Iraq, vì Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố quân đội Mỹ hiện diện ở Iraq chỉ để thực hiện nhiệm vụ cố vấn và hỗ trợ chứ không trực tiếp tham chiến. Ông Cook đã tìm cách bảo vệ quan điểm này khi nói rằng dù có lính Mỹ thiệt mạng trong lúc giao tranh, họ "vẫn không thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chủ động ở Iraq".
Hồi tháng 5, đặc nhiệm Delta Mỹ đã đột kích thành công vào nhà của Abu Sayyaf, một thủ lĩnh cấp cao của phiến quân IS ở Syria. Họ đã tiêu diệt được Sayyaf, bắt sống được vợ hắn ta và thu giữ nhiều tài liệu, thông tin tình báo quý giá. Mỹ có khoảng 3.500 binh sĩ đang hiện diện ở Iraq để thực hiện nhiệm vụ cố vấn quân sự trong cuộc chiến chống IS.
"Khi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, họ hoàn toàn được phép tự vệ cũng như bảo vệ lực lượng bạn, ngăn chặn nguy cơ dân thường bị sát hại", ông Cook nhấn mạnh.
Tướng Lloyd Austin, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, giải thích thêm cuộc đột kích diễn ra là theo yêu cầu của dân quân người Kurd và hoàn toàn nằm trong nhiệm vụ "cố vấn và hỗ trợ" của đặc nhiệm Mỹ ở Iraq.
Trí Dũng