Vào cuối Thế chiến II, Stalag Luft III, nằm cách Berlin khoảng 150 km về phía đông, là một trại giam tù binh chiến tranh với hệ thống bảo vệ chắc chắn nhất của quân đội phát xít Đức.
Tuy nhiên, Đức Quốc xã đã vô tình đưa nhiều tù nhân có khả năng vượt ngục thiện chiến nhất tới đây và họ đã tổ chức một cuộc đào thoát có quy mô lớn nhất lịch sử các trại giam tù binh chiến tranh, theo Ciel de Gloire.
Stalag Luft III có sức chứa 10.000 người, là nơi giam giữ chủ yếu các phi công của không quân Hoàng gia Anh và một nhóm nhỏ phi công Mỹ, nổi bật trong số đó là Roger Bushell, chỉ huy không đoàn 92 của Anh. Máy bay của ông bị bắn hạ trong trận đánh tại thành phố Dunkerque của Pháp năm 1940 và ông từng nhiều lần vượt ngục bất thành trong thời gian bị giam giữ.
Sau nhiều cuộc họp bí mật, nhóm của Bushell đã nhất trí tiến hành một cuộc chạy trốn quy mô khỏi Stalag Luft III. Với khả năng thuyết phục, họ đã vận động được tổng cộng gần 600 tù nhân tham gia kế hoạch đào ba đường hầm bí mật dài tổng cộng 110 m, nối từ trong trại giam ra một khu rừng bên ngoài.
600 tù nhân được chia thành hai lực lượng riêng biệt, một bộ phận trực tiếp tham gia đào hầm, bộ phận còn lại đảm bảo công việc cung cấp dụng cụ và hỗ trợ hậu cần.
Theo số liệu các nhân chứng kể lại, ngoài các máy xúc được biên chế để lao động, các tù nhân phải bí mật biển thủ khoảng 1.200 con dao, gần 1.000 thìa muỗng, 1.400 vỏ lon sữa để phục vụ công tác xúc đất, cùng 90 khung giường, 4.000 thanh dát giường, 35 ghế, 20 bảng gỗ cho việc chống và gia cố đường hầm.
Do khu giam giữ được xây dựng cách mặt đất khoảng 60 cm, nên những tên lính gác có thể đã lơ là trong việc truy xét những dấu hiệu khả nghi bên dưới và truy tìm các đường hầm bí mật.
Điều này tạo cơ hội cho những tù nhân đào đường hầm với quy mô lớn như vậy.
Khi đường hầm hoàn thiện, chỉ có khoảng 200 tù binh đảm bảo các điều kiện như vị trí làm việc, thời gian... để tham gia đào thoát đợt đầu.
Đêm ngày 24/3/1944, kế hoạch đào thoát chính thức được bắt đầu. Tuy nhiên, thật không may là đường hầm được đào khá nông và ngắn hơn 10 m so với dự kiến, khiến điểm ra của các tù nhân không lẫn được vào rừng cây để che mắt lính gác.
Các tù nhân sau đó phải đợi đến lúc lính gác thay phiên để trồi lên mặt đất và làm kế hoạch chậm lại rất nhiều so với thời gian đề ra.
Khi tù binh quân thứ 77 chuẩn bị thoát ra khỏi đường hầm bí mật, một lính canh đã phát hiện ra điều đó và báo động cho những sĩ quan khác làm việc trong nhà tù Stalag Luft III. Tất cả những người còn lại đều bị bắt giữ.
Sau vụ việc, Adolf Hitler nổi giận và ra lệnh tử hình tất cả những người bị bắt, nhưng hai cố vấn là Goering và Himmler thuyết phục trùm phát xít chỉ nên bắn 50 người nhằm giảm bớt những phản đối quốc tế.
Những tù nhân trốn thoát phải đương đầu thời tiết khắc nghiệt của mùa đông, trong khi họ không thể mang theo quần áo và đồ dùng cần thiết nên phần lớn đã thiệt mạng. Cuối cùng chỉ có 3 người may mắn sống sót và quay trở về quê nhà ở Anh.
Chỉ huy trại Stalag Luft III, Oberst von Lindeiner-wildau bị buộc thôi việc và đưa ra tòa án binh với mức án 2 năm tù giam.
Do quy mô và mức độ ly kỳ của sự việc, cuộc vượt ngục khỏi trại Stalag Luft III được dựng thành phim "The Great Escape" vào năm 1963.
Xem thêm: Cuộc đào thoát của phi công Liên Xô vén màn bí mật tên lửa Đức
Nguyễn Hoàng