Đến nay, tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã bổ nhiệm 21 thành viên nội các và cố vấn Nhà Trắng. Phần lớn họ đều là những người mang nhiều nét tương đồng với nhà tài phiệt New York: lớn tuổi, da trắng, giàu có, dám chấp nhận rủi ro, có kỹ năng đàm phán lão luyện và thích làm hơn nói, theo Reuters.
Trong quá trình vận động tranh cử, Trump từng tuyên bố bộ máy cầm quyền ở Washington đã "rạn nứt" và bị thao túng bởi các lợi ích đặc biệt, đồng thời ông cam kết sẽ "tháo sạch nguồn nước độc hại tại đầm lầy Washington". Thực tế cho thấy tỷ phú Mỹ hầu như tránh chọn lựa những nhà kỹ trị có kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong chính quyền, thay vào đó, ông xây dựng một đội ngũ "ông chủ" cho nội các mới.
Tập hợp những ông chủ
Những chỉ định của Trump cho các chức danh bộ trưởng và cố vấn rõ ràng thiếu vắng giới trí thức, luật sư hay học giả, những người thường được các tổng thống đời trước săn tìm. Nắm giữ các vị trí này hiện nay lại là những ông trùm giới kinh doanh và tài chính, ví dụ như Steven Mnuchin, cựu lãnh đạo cấp cao ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, hay Rex Tillerson, giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Exxon Mobil (hai người mà ông Trump lần lượt bổ nhiệm vào ghế Bộ trưởng Tài chính và Ngoại trưởng), cùng ba tướng về hưu.
Nhiều cái tên trong danh sách bổ nhiệm của Trump quen với việc bắt người khác làm theo ý mình nhưng giờ đây, họ phải làm việc dưới quyền một ông chủ khác: tổng thống đắc cử Mỹ Trump.
Giới chuyên gia nhận định chính quyền Trump tương lai có thể sẽ phá bỏ những thành tựu của Tổng thống Barack Obama ở mức tối đa, đồng thời nỗ lực thúc đẩy một chương trình nghị sự chính sách bảo thủ đối với một số lĩnh vực như thuế hay y tế.
Một cựu quan chức cấp cao chính phủ Mỹ quen biết Rex Tillerson và tướng thủy quân lục chiến James Mattis (người ông Trump chỉ định vào ghế Bộ trưởng Quốc phòng), dự đoán sẽ xuất hiện "cú va chạm mạnh" giữa những cái tôi trong nội các mới.
Tillerson và Mattis "đã quen với việc làm chủ bất kỳ không gian nào mà họ có mặt và không gian này giờ đây sẽ bao gồm Phòng Tình huống và thậm chí cả Phòng Bầu dục", vị cựu quan chức giấu tên nói.
Ban chuyển giao quyền lực của Trump cho biết nội các mới sẽ là sự kết hợp giữa những người có kinh nghiệm làm việc ở Washington và những người mới. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy các tổng thống mang những mối quan hệ bên ngoài đến Washington đôi khi phạm những sai lầm đắt giá, chuyên gia bình luận.
Trong 21 thành viên nội các và cố vấn Nhà Trắng mà Trump lựa chọn đến nay có 16 người là đàn ông da trắng, 4 người là nữ giới và chưa ai có kinh nghiệm làm việc ở những cơ quan cấp cao trực thuộc chính quyền. Một số người còn từng ở vị thế đối đầu với các cơ quan mà họ dự kiến lãnh đạo nếu thượng viện Mỹ phê chuẩn.
Ngoài ra, những người mới được bổ nhiệm còn bao gồm một người Mỹ gốc Phi, một người Mỹ gốc Á và một người Mỹ gốc Italy. Không có bất kỳ người gốc Tây Ban Nha nào.
Julian Zelizer, nhà sử học nghiên cứu về tổng thống Mỹ từ Đại học Princeton, đánh giá Trump đang xây dựng một bộ máy nội các với những gương mặt phản chiếu hình ảnh ông: ăn nói thẳng và có kinh nghiệm thực tế.
"Bổ nhiệm một đội ngũ xung quanh mình với những gương mặt trong giới quân sự và tài chính chắc chắn gửi đi một thông điệp nào đó. Có lẽ Trump tự xem bản thân như một dạng chuyên gia đàm phán quyết liệt", Zelizer nói.
Đương đầu thách thức
Theo những người am hiểu vấn đề, các nhân sự mới ở Washington luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận thách thức. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Tom Price, quan chức được ông Trump cất nhắc vào vị trí Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Xã hội là người "có bản chất quyết đoán", hạ nghị sĩ Cộng hòa Tom Colem nhận xét. Colem cho hay ông tin tưởng vào năng lực của Price với tư cách một bác sĩ phẫu thuật.
Ben Carson, người được Trump bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển Đô thị, cũng từng là bác sĩ phẫu thuật.
Henry Brem, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh từng làm việc với Carson tại Bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore, cho biết Carson là người có "cái đầu lạnh" và không e ngại đưa ra những ý kiến gai góc.
Carson "là một quý ông, luôn biết cách nói ra những suy nghĩ trong đầu và có những ý tưởng lớn. Không ai trên thế giới này đủ sức làm ông ấy sợ hãi", Brem nói.
Theo James Henson, giám đốc Dự án Chính trị Texas thuộc Đại học Texas, Rick Perry, người được Trump chọn vào ghế Bộ trưởng Năng lượng, từng giữ chức thống đốc bang Texas trong ba nhiệm kỳ, cần phải "dung hòa giữa nhóm cử tri ủng hộ ông có quan điểm bảo thủ và ngày càng khắt khe về tư tưởng với một cộng đồng kinh doanh đầy thế lực".
"Nhưng việc ông ấy có thể làm được như vậy hay không trong một bộ máy hành chính rườm rà, trong một môi trường có tính cạnh tranh cao như nội các với nhiều cái tôi lớn lại là vấn đề khác", Henson nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều gương mặt mà Trump lựa chọn chưa bao giờ giữ bất kỳ chức vụ nào trong bộ máy chính quyền và chỉ một số ít có kinh nghiệm trong hoạch định chính sách, ví dụ như giám đốc điều hành Exxon Mobil Rex Tillerson, cựu lãnh đạo cấp cao ngân hàng Goldman Sachs Steven Mnuchin, tỷ phú Wilbur Ross (được Trump chọn vào ghế Bộ trưởng Thương mại) và chủ tịch kiêm giám đốc hoạt động ngân hàng Goldman Sachs Gary Cohn (được Trump chỉ định làm giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia).
Năm 2008, Mnuchin dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư mua lại ngân hàng IndyMac bị phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sau đó chuyển đổi nó thành ngân hàng Onewest mà giờ đây là một ngân hàng bán lẻ phát triển mạnh mẽ ở California.
Kevin Kelly, một đối tác quản lý thuộc công ty đầu tư Recon Capital Partners tại thành phố Stamford, bang Connecticut, đánh giá sự nhạy bén ở thế giới thực như vậy có thể giúp chính phủ hoạt động hiệu quả hơn.
Nguy cơ bị đào thải
Giải pháp đưa người ngoại đạo chính trị vào nội các không phải lúc nào cũng hiệu quả. Năm 2001, Paul O'Neill, giám đốc điều hành tập đoàn sản xuất nhôm Alcoa, được bổ nhiệm vào ghế Bộ trưởng Tài chính dưới thời tổng thống George W. Bush nhưng ông đã gây hoảng loạn cho thị trường bằng một loạt phát biểu sơ suất, báo hiệu những thay đổi chính sách kinh tế khác với lập trường của Nhà Trắng. Cuối cùng, O'Neill bị sa thải.
"Quản lý các cơ quan công vụ lớn thực sự là công việc khó khăn và đòi hỏi phải có những con người giàu kinh nghiệm, hiểu biết, đồng thời phải làm việc theo đường lối không xa rời người dân", Thomas Mann, học giả về quản trị từ Viện Brookings, nói.
Anthony Scaramucci, một cố vấn trong ban chuyển giao quyền lực của tổng thống đắc cử Mỹ, thừa nhận việc quá thiếu kinh nghiệm có thể gây nguy hại cho chính quyền Trump vẫn còn non trẻ .
"Washington là một hệ thống miễn dịch thực sự khỏe mạnh. Bạn sẽ chứng kiến một cuộc đào thải dữ dội nếu bạn đưa quá nhiều kẻ gây xáo trộn nguyên trạng đến Washington", Scaramucci cảnh báo.
Hồng Vân