Trận Trân Châu cảng tháng 12/1941 không những đem lại thiệt hại nặng nề cho hải quân Mỹ, mà còn gây tác động tiêu cực đến tâm lý của toàn thể người dân nước này thời điểm đó.
Để sốc lại tinh thần cho binh lính và nhân dân, đồng thời khẳng định Nhật không phải là "bất khả xâm phạm", Mỹ đã lên nhiều phương án trả đũa. Và phương thức tập kích bằng máy bay vào Nhật được lựa chọn, theo Le Point.
Trung tá không quân James Doolittle được chỉ định là người chỉ huy chiến dịch. Tiếp đó, 24 máy bay ném bom tầm trung B-25 của phi đội ném bom số 17 tại căn cứ Pendleton ở bang Oregon cùng tàu sân bay mới nhất thời điểm đó Hornett được lệnh tham gia chiến dịch.
Dự định sau khi cất cánh từ tàu sân bay, ném bom các mục tiêu quân sự của Nhật, các máy bay B-25 tiếp tục bay về hướng tây để hạ cánh xuống Trung Quốc.
Ban đầu các phi công tham gia chiến dịch đều tập cất cánh từ tàu sân bay với đường băng ngắn hơn một nửa so với trên đất liền (từ 304 m giảm xuống còn 150 m). Máy bay B-25 Mitchell được điều chỉnh thiết kế, cũng như vũ khí bổ sung và tăng dung tích bình xăng, thay thiết bị ngắm chuyên dụng cho ném bom.
Ngày 18/4/1942, 16 máy bay B-25 Mitchell cất cánh hướng vào mục tiêu là 5 thành phố của Nhật. Máy bay của trung tá Doolittle là chiếc đầu tiên bay trên không phận Nhật và thả 4 quả bom làm cháy một nhà máy tại Tokyo.
Hầu hết những chiếc còn lại đều hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Bị bất ngờ, hệ thống phòng không của quân đội Nhật lúng túng, phản ứng bị động nên không bắn hạ được máy bay nào. Máy bay của Doolittle lái và 14 chiếc B-25 khác đã bay về phía tây nam sang Trung Quốc, một chiếc bay sang hướng Liên Xô.
Khi tới Trung Quốc, do hết nhiên liệu, 4 chiếc bị đâm xuống đất và phi hành đoàn của 11 chiếc còn lại buộc phải nhảy dù ra ngoài. 3 người chết khi nhảy dù, 8 người bị quân Nhật bắt giữ (sau đó 1 người chết đói trong tù, 3 người bị xử tử, 4 người còn lại bị giam cầm và chỉ được thả vào tháng 8/1945).
Doolittle cùng các phi công còn lại được người dân địa phương Trung Quốc cứu sống và được đưa về Mỹ sau đó.
Chiếc máy bay duy nhất bay đến Vladivostok của Liên Xô an toàn do tiết kiệm được nhiên liệu, nhưng sau đó máy bay B-25 bị tịch thu và phi hành đoàn bị giam giữ trong hơn một năm.
Kết quả của chiến dịch không kích Dolittle tuy không gây hiệt hại lớn cho Nhật, nhưng đã sốc lại tinh thần cho quân và dân Mỹ, cũng như làm mất phần nào niềm tin của người dân Nhật vào giới lãnh đạo bấy giờ, đồng thời là tín hiệu khởi đầu cho một loạt những thất bại của lực lượng hải quân phát xít Nhật trên mặt trận Thái Bình Dương.
Xem thêm: Đòn giáng 'tiểu Trân Châu Cảng' của Đức vào phe Đồng minh.
Nguyễn Hoàng