Ông Salman bin Abdul-Aziz Al Saud, 79 tuổi, trong năm qua đảm nhận nhiệm vụ thay anh trai mình, quốc vương Abdullah, khi sức khỏe của ông Abdullah suy yếu. Ngay sau khi quốc vương Abdullah qua đời ở tuổi 90, ông Salman chính thức tiếp quản ngai vàng.
Salman là được cho là có ngoại hình giống người cha quá cố, quốc vương Abdulaziz Ibn Saud, hơn tất cả những người anh em khác. Tuy nhiên, sức khỏe của vua mới là một câu hỏi đáng quan tâm. Ông từng bị đột quỵ ít nhất một lần, khiến tay trái của ông chỉ có thể cử động hạn chế.
Con đường đến ngai vàng
Ở độ tuổi tương đối trẻ, ông Salman năm 1963 trở thành thống đốc thủ đô Riyadh. 48 năm tiếp theo, ông dẫn dắt nơi này thay đổi từ một thị trấn vắng vẻ và cách biệt, thành một thành phố đông đúc với những tòa nhà chọc trời, trường đại học và các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của phương Tây. Ông cũng chứng kiến thành phố phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu nhà ở với giá cả phải chăng và giao thông công cộng đủ cho 4 triệu dân.
Vị trí đứng đầu Riyadh cũng giúp ông nổi tiếng trên thế giới, khi ông là chủ nhà tiếp nhiều khách quan trọng và các phái viên quốc tế, giúp bảo đảm nguồn đầu tư nước ngoài cho thủ đô.
Ông Salman được thăng chức bộ trưởng Quốc phòng năm 2011, và sau đó được vua Abdullah chỉ định là người tiếp quản ngai vàng, khi người đứng đầu danh sách thừa kế, ông Nayef bin Abdul-Aziz Al Saud qua đời. Bộ Quốc phòng Arab Saudi sử dụng những thương vụ mua vũ khí lớn để tăng cường quan hệ với các đồng minh như Mỹ, Anh và Pháp.
Ông cũng là người đứng đầu quân đội khi Arab Saudi cùng các quốc gia Arab khác gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu, không kích Nhà nước Hồi giáo (IS), nhóm chiến binh Hồi giáo dòng Sunni mà vương quốc này bắt đầu coi là mối đe dọa đến sự ổn định của đất nước.
Trong các cuộc thảo luận với các nhà ngoại giao Mỹ năm 2007, được hé lộ trong một vài bản ghi chép, ông Salman phản đối các phong trào vũ trang. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng chủ nghĩa Do Thái và Kitô giáo cực đoan đã "nuôi dưỡng" Hồi giáo cực đoan. Ông thậm chí còn cảnh báo Mỹ rồi sẽ nhìn thấy mối đe dọa từ các phần tử Do Thái và Kitô giáo cực đoan.
Ông nói với các quan chức Mỹ rằng chìa khóa để mang lại ổn định ở Trung Đông là giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, và nói thêm rằng Israel là "một gánh nặng đối với Mỹ".
Ông tiếp quản ngai vàng vào thời điểm vương quốc Hồi giáo giàu dầu mỏ này đang cố gắng giảm áp lực xã hội từ sự bùng nổ dân số trẻ. Arab Saudi có dân số 20 triệu người, hơn một nửa trong số đó ở độ tuổi dưới 25.
Quan điểm về cải cách
Trong một cuộc họp năm 2007, ông nói với một đại sứ Mỹ rằng "yếu tố xã hội và văn hóa" của đất nước khiến những thay đổi phải được tiến hành từ từ và có linh hoạt, vì đất nước còn nhiều bộ tộc hùng mạnh, theo một bản ghi chép cuộc họp của đại sứ quán bị rò rỉ bởi trang Wikileaks.
Ông Salma cũng nhắc đến chủ đề này trong một cuộc phỏng vấn năm 2010 với Karen Elliot House, tác giá cuốn "Về Arab Saudi: Người dân, quá khứ, tôn giáo và tranh cãi". Ông nói với bà rằng trong khi người Mỹ được thống nhất bởi nền dân chủ, Arab Saudi về bản chất được thống nhất bởi gia đình ông, gia tộc Al Sauds.
Đó là cuộc gặp lần thứ hai giữa House với ông Salman. Cuộc gặp lần đầu tiên là vào những năm 1980, bà cho biết khi đó "ông có vẻ hơi cứng nhắc và vương giả, ông trả lời một cách khá trịch thượng. Tuy nhiên, đến năm 2010, ông đã trở thành một người khác, mềm mỏng hơn, bớt kiểu cách hơn rất nhiều", bà House nói.
Người hòa giải của hoàng tộc
Salman là một trong hàng chục con trai của quốc vương sáng lập Arab Saudi, Abdul-Aziz Al Saud, người được cho là có hơn 50 con trai với nhiều người vợ. Điều đáng chú ý là ông là một trong 7 con trai của người vợ được sủng ái nhất, Hussa bint Ahmad Sudeiri. 7 anh em được coi là trung tâm quyền lực gia đình. Người tiền nhiệm của quốc vương Abdullah qua đời ngày hôm nay, cố quốc vương Fahd cũng là một trong 7 anh em này. Sultan và Nayef, hai hoàng tử ở vị trí đầu bảng trong danh sách thừa kế ngai vàng của Abdullah đã qua đời lần lượt năm 2011 và 2012 cũng thuộc nhóm này.
Gia tộc Al Saud từ lâu đã tìm cách giữ gìn một sự thống nhất, giải quyết tất cả tranh chấp nội bộ để gìn giữ bình ổn quyền lực. Ông Salman thường là người đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự thống nhất đó.
Bản ghi chép của Đại sứ quán Mỹ năm 2007 nói rằng ông "thường là người hòa giải tranh cãi trong gia đình". Tài liệu này dẫn chứng vụ việc khi Quốc vương Abdullah chính thức công nhận Hội đồng Trung thành, một cơ quan gồm những người đứng đầu trong hoàng gia được giao nhiệm vụ bỏ phiếu chọn người thừa kế, dựa trên tiêu chí thành tích chứ không chỉ tuổi tác. Người anh lớn tuổi nhất còn sống của ông Salman, Abdul-Rahman, đã thẳng thắn chỉ trích về sự sắp xếp này. Tuy nhiên, ông Salman thẳng thừng nói với anh trai mình hãy "giữ im lặng và quay trở lại làm việc".
Salman cũng được cho là có quan hệ rộng với các bộ tộc trong nước. Ảnh hưởng của ông càng gia tăng thông qua mạng lưới kinh doanh gia đình, bao gồm cả cổ phần trong tờ báo chung của các nước Arab, ASharq Al-Awsat.
Con trai của ông Salman gồm Hoàng tử Abdulaziz, thứ trưởng dầu mỏ; Hoàng tử Faisal, thống đốc Medina; và Hoàng tử Sultan, phi hành gia đầu tiên của Arab, bay trên tàu con thoi Discovery của Mỹ năm 1985 và hiện là người đứng đầu cơ quan du lịch. Tuy nhiên, người có ảnh hưởng nhất lại được cho là Hoàng tử Mohamed, con trai cả của người vợ thứ ba của Salman. Mohammed đang trong độ tuổi 30 và là người đứng đầu tòa án.
Trong hoàng gia, ông Salman nổi tiếng là người sùng đạo và có tư tưởng cởi mở. Một cựu nhân viên ngoại giao ở Riyadh cho biết "ông là người thông minh, giỏi chính trị, tuy vẫn còn hơi hướng bảo thủ, nhưng tư tưởng khá hiện đại.
Phương Vũ (Theo AP/ Reuters)