Theo AP, chia ly từ khi 6 tháng tuổi năm 1933, Jack Yufe được nuôi dạy thành một người Do Thái ở Trinidad bởi cha là người Do Thái. Trong khi đó người anh em song sinh giống hệt, Oskar Stohr, theo mẹ đến Đức và lớn lên khi phe Quốc xã lên nắm quyền.
Giống như các sinh viên thời đó, Stohr chào đón hiệu trưởng bằng cách chào của phát xít, và được bà mình cảnh báo rằng đừng cho ai biết cha mình, Joseph, là người Do Thái. Như một cách để sống còn, Stohr tham gia phong trào Thanh niên Hitler.
Nhiều năm sau, ông thú nhận rằng ông từng mơ thấy bắn chết người anh em sinh đôi của mình trong một cuộc không chiến. Yufe cũng có một cơn ác mộng tương tự về việc giết Stohr bằng một lưỡi lê.
Yufe biết ông là người Do Thái, nhưng không cảm thấy điều đó quan trọng cho đến năm 15 tuổi, khi đến Venezuela để sống cùng người bác từng phải vào trại tập trung phát xít, và là người họ hàng châu Âu bên nội duy nhất sống sót qua cuộc thảm sát người Do Thái Holocaust.
Bà thúc giục Yufe chuyển đến Israel và cha của ông cho rằng đó là một ý kiến tốt. Yufe miễn cưỡng di cư ở tuổi 16 và làm việc cho hải quân Israel. Năm 1954, trước khi đến Mỹ, nơi cha ông đã định cư, ông quyết định dừng lại ở Đức để tìm người anh em sinh đôi. Họ 21 tuổi khi lần đầu hội ngộ tại một nhà ga xe lửa.
Yufe nhớ lại rằng Stohr đã rất lo lắng, yêu cầu ông không đề cập đến nguồn gốc Do Thái của mình, và giấu các thẻ hành lý cho thấy Yufe đã có mặt tại Israel.
Họ phát hiện ra họ không hoàn toàn thích nhau, không phải vì họ khác nhau, mà vì họ quá giống nhau. Yufe mặc một chiếc áo khoác thể thao màu trắng, áo sơ mi và kính gọng sắt. Stohr cũng ăn mặc giống như vậy.
"Tôi nói rằng 'Stohr, anh mặc áo và đeo kính giống tôi. Tại sao?'", Yufe kể lại cuộc gặp của hai người trong phim tài liệu của BBC năm 1999. "Ông ấy cũng hỏi tôi rằng 'sao anh lại ăn mặc giống y như tôi thế?'".
Khi họ nói chuyện với nhau nhiều hơn, họ phát hiện ra rằng họ có dáng đi và thói quen lo lắng tương tự nhau. Họ thậm chí còn thích một kiểu trêu đùa người khác giống nhau.
"Cả hai đều quen rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh", Nancy L. Segal, giáo sư tâm lý học tại Đại học California , Fullerton, người đã tìm hiểu về hai anh em trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt về các cặp song sinh được tiến hành tại Đại học Minnesota, nói.
"Cả hai đều thường hắt hơi to trong thang máy, tôi nghĩ rằng điều này khá buồn cười", bà nói thêm. "Nếu bạn ngồi đối diện với họ tại một chiếc bàn và có một bình hoa cắm hoa hồng hay một loại hoa nào đó, họ sẽ đẩy nó sang một bên vì họ không thể chịu nổi", bà nói thêm.
Họ cũng có tính khí nóng nảy và hiếu thắng giống nhau. Vì vậy, họ không bao giờ nói chuyện với nhau về chính trị hay tôn giáo, con trai của Yufe, Kenneth, cho biết. "Quan sát họ rất thú vị", anh nói thêm.
Theo LA Times, Segal từng hỏi Yufe ông ấy có yêu quý người anh em của mình hay không. Ông trả lời: "Yêu quý nhau ư? Chúng tôi thậm chí còn chả biết chúng tôi có thích nhau không nữa".
Nhưng ông hiểu rằng ông không thể đổ lỗi cho người anh em của mình khi hoàn cảnh thời đó đặt họ vào hai phe đối địch trong Thế chiến II.
"Trẻ em chỉ biết học theo những điều chúng được dạy", ông nói. "Nếu chúng tôi đổi chỗ cho nhau, thì tôi chắc chắn cũng ở vị trí như Stohr". "Tôi không thấy phiền muộn về việc đó, nhưng tôi vui vì tôi đã không ở phía bên kia".
Khi Stohr qua đời vì ung thư năm 1997, Yufe rất đau đớn nhưng không đến đám tang. Ông sợ sẽ khiến gia đình đau lòng vì ông quá giống người anh em trai của mình. Hôm 9/11, Yufe, đã qua đời vì ung thư tại một bệnh viện ở San Diego.
"Họ có một mối quan hệ vừa yêu vừa ghét rất tuyệt vời", Segal nói về hai anh em. "Họ bị cuốn hút bởi nhau, cuốn hút bởi sự giống nhau, ngạc nhiên khi thấy những điểm tệ nhất của mình ở người kia. Họ đều nóng tính và thiếu kiên nhẫn, nhưng gia đình đều rất yêu thương họ".
Phương Vũ