Ngày 1/2/2013, Elisa Lam đột nhiên mất tích khi đang ở khách sạn Cecil, trung tâm Los Angeles, California, Mỹ. Nữ sinh viên 21 tuổi người Canada gốc Hoa này khi đó đang đi thăm thú bờ tây nước Mỹ một mình, theo LA Times.
Để tìm kiếm cô, sở cảnh sát Los Angeles đã công bố những hình ảnh cuối cùng về Lam mà họ có được, từ camera giám sát ở thang máy khách sạn Cecil vào ngày cô biến mất. Đoạn băng cho thấy Elisa Lam có những biểu hiện rất khác thường.
Cô bước vào thang máy và nhấn nhiều nút một lúc. Buồng thang máy không di chuyển và cửa vẫn mở. Lam đã ló đầu nhìn ra ngoài hành lang và đi ra đi vào vài lần. Cô tỏ vẻ lo lắng và tay cô có những động tác như thể cô đang giao tiếp với ai đó phía ngoài hành lang mà camera không thấy được. Cuối cùng, Lam đi ra ngoài hành lang phía bên trái và biến mất, cánh cửa thang máy khép lại.
Đoạn video được tung lên mạng và nhanh chóng gây chú ý. Nó nhận được hơn 16 triệu người lượt xem trên Youtube. Một số người đặt ra giả thiết rằng Lam phê ma túy hoặc có vấn đề tâm thần. Một số người nói cô đang trốn ai hoặc điều gì đó không thể thấy trong đoạn băng ghi hình.
Theo trang Daily Maverick, có ý kiến còn cho rằng cô bị ma ám, khi xét đến lịch sử u ám của khách sạn. Họ cho rằng cô đã giao tiếp với thế lực siêu nhiên vô hình. "Tôi sợ quá, tôi đang run lên đây", một người viết trên trang Youku sau khi xem video.
Khách sạn Cecil nổi tiếng với lịch sử gắn liền với những vụ chết chóc. Elizabeth Short, có biệt danh Thược Dược Đen, được cho là lưu lại khách sạn này trước khi cô bị sát hại dã man vào năm 1947. Thi thể không mặc quần áo của cô bị chặt thành hai khúc tại một mảnh đất trống ven đường ở Los Angeles. Mặt của cô bị băm nát từ khóe miệng đến mang tai. Vụ án mạng này vẫn chưa có lời giải.
Goldie Osgood, nổi danh với tên gọi "Quý bà bồ câu" cũng bị cưỡng hiếp và sát hại tại phòng của bà ở khách sạn Cecil vào năm 1964. Tên sát nhân hàng loạt người Mỹ Richard Ramirez và kẻ học theo hắn, tên sát nhân hàng loạt người Áo Jack Unterweger cũng từng lưu trú tại khách sạn Cecil khi chúng gây án. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều vụ tự tử, bao gồm trường hợp một phụ nữ nhảy từ cửa sổ khách sạn để kết liễu đời mình, nhưng đồng thời làm chết một người đi đường vì cô rơi trúng người này.
Hai tuần sau khi Elisa Lam mất tích, khách lưu trú ở Cecil phàn nàn về việc nước trong phòng họ chảy quá yếu và có màu nâu. Sáng 19/2/2013, một nhân viên khách sạn tên Santiago Lopez kiểm tra 4 bồn chứa nước trên mái của khách sạn. Anh phát hiện thấy phần nắp của một bồn nước đã bị mở ra. Lopez trèo lên kiểm tra và kinh hãi trước cảnh tượng trước mắt: một thi thể phụ nữ trẻ nổi úp mặt xuống mặt nước trong bồn. Đó chính là Elisa Lam.
Khó lý giải
Lopez khai với cảnh sát rằng không ai có thể lên được mái của khách sạn mà hệ thống báo động không phát hiện. Thực tế, Lopez đã phải ngắt hệ thống báo động trước khi đi lên mái. Chỉ có nhân viên khách sạn mới có chìa khóa để đi vào cầu thang và cánh cửa ở mái khách sạn. Theo một nhân viên kỹ thuật, cho dù người nào đó có thể lên mái mà không làm kích hoạt hệ thống báo động, thì người đó cũng phải trèo lên giàn đỡ bồn nước, rồi tiếp tục leo lên một cái thang thứ hai để đến nắp bồn nước. Cuối cùng, người đó phải dỡ cái nắp kim loại nặng trịch và nhảy vào bên trong. Một điều kỳ lạ nữa là ngay sau khi Lam mất tích, cảnh sát cùng chó nghiệp vụ đã kiểm tra mái khách sạn nhưng không phát hiện ra dấu vết.
Cơ quan khám nghiệm pháp y cho biết thi thể của Lam nổi lõa thể trong bồn nước và trang phục của cô, chính là bộ quần áo mà cô mặc lúc ở thang máy, trôi nổi xung quanh thi thể cô. Thi thể cô bị phân hủy tương đối mạnh vì đã gần hai tuần trôi qua kể từ khi cô mất tích. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy cô bị hành hung hay cưỡng hiếp. Trong cơ thể cô chỉ có hoạt chất ibuprofen (có tác dụng chống viêm, giảm đau, hạ sốt), chứ không có ma túy.
Cơ quan khám nghiệm pháp y kết luận Lam tử vong do đuối nước. Tuy nhiên, vào thời điểm cô tử vong, nước trong bồn chỉ đầy một nửa hoặc 3/4. Điều này dẫn đến nghi vấn làm sao một phụ nữ khỏe mạnh, lành lặn lại có thể chết chìm trong một bồn nước với khối lượng ít ỏi như vậy.
Để chuẩn bị cho chuyến đi định mệnh khám phá bờ tây nước Mỹ, Lam đã tạo một tài khoản có tên Nouvelle/Nouveau trên mạng xã hội Tumblr. Và tài khoản này vẫn tiếp tục cập nhật thông tin ngay cả sau cái chết của Lam. Dù Lam có thể cài đặt để Tumblr đăng các thông tin tự động theo các mốc thời gian cô lập ra, nhiều người tự hỏi liệu chúng có phải là các thông tin được gửi "từ thế giới bên kia".
Gia đình Lam đã gửi đơn kiện yêu cầu khách sạn Cecil phải chịu trách nhiệm cho cái chết của cô nhưng đơn kiện bị bác vào cuối năm 2015. Thẩm phán cho biết không có bằng chứng nào cho thấy khách sạn cho phép Lam đi lên mái khách sạn hoặc khẳng định rằng mái khách sạn và các bồn nước an toàn.
Mặc dù khách sạn Cecil đã chứng kiến nhiều cái chết, tai tiếng từ vụ việc của Lam đã đe dọa uy tín của nó. Khách sạn này sau đó được đổi tên thành Stay on Main.
Xem thêm: Chiếc đầu người trong thú nhồi bông gây chấn động Hong Kong thập niên 90
44 ngày bị tra tấn và hãm hiếp của nữ sinh Nhật Bản 'chôn trong bê tông'
Hồng Vân