Dưới đây là nội dung bài báo của tác giả Olga Grekova và Dmitri Kafanov.
Cuộc chiến tranh Việt Nam thứ hai: Cứ đà này các chợ châu Á ở Matxcơva sẽ bị xóa sổ
Cách đây mới chưa lâu, cuộc sống của những người Việt buôn bán tại các chợ Matxcơva còn khá yên ổn và bình lặng. Nhưng sau những sự kiện hồi tháng 8 - cảnh sát đột kích khu chợ, rồi tiếp đó là người Việt chống lại cảnh sát - đích thân thị trưởng Yury Luzkov ra lệnh đóng cửa chợ Việt Nam Saliut-3. Kể từ đó mọi thứ đã thay đổi. Cộng đồng ngoại kiều yên lành nhất một thời, nay đã không còn bình tĩnh.
Theo lời của giới chức thì Saliut bị đóng cửa vì đã không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh. Một lý do, nhẹ nhàng mà nói, quả là buồn cười. Bạn có nhìn thấy ở đâu có cái chợ nào mà những tiêu chuẩn vệ sinh ấy được đảm bảo không?
Nhóm phóng viên MK đã tiến hành điều tra riêng, và khám phá được nhiều chi tiết thú vị.
"Mấy cái gối bao nhiêu thế? Tôi muốn cái nào rẻ rẻ mà bằng sợi tổng hợp ấy". Người mua đưa mắt nhìn những cái gối nhiều màu được chất thành đống bằng cặp mắt soi mói. Người bán, một phụ nữ Việt Nam nhỏ bé, nói tiếng Nga bồi, cố giúi hàng cho khách. "Chỉ có loại nhồi lông thôi. Lấy giùm đi, lấy giùm đi...". Người mua càu nhàu: "Bọn ăn bám các người cứ kéo cả lũ đến đây. Thế có gối nhồi lông chim bồ câu không?"
Người phụ nữ Việt Nam làm ra vẻ không hiểu câu lầm bầm nọ, mỉm cười rụt rè, đảo đi đảo lại mấy cái gối, khoe những chiếc mới. Cuối cùng cũng thuận mua vừa bán. Bà khách cầm gối đi, chốc chốc dừng bước và ngắm nghía cái nhãn một cách ngờ vực. Còn người bán hàng thì lại ngồi xuống cái ghế đẩu nhỏ xíu và kiên nhẫn chờ vị khách tiếp theo.
Tiền thuê chỗ bán và phí bán hàng ở khu chợ châu Á này vào khoảng 4.000 rúp/tháng. Để quá hạn là phải nộp phạt. Đầu tiên chỉ tượng trưng: 200 rúp, vẫn không chấn chỉnh: 500 rúp. Không cần phải đến lần cảnh báo thứ ba: họ luôn phục tùng vô điều kiện. OMON (cảnh sát đặc nhiệm), YBEP (Cơ quan an ninh kinh tế) và các nhân viên thu thuế là những vị khách quá thường xuyên.
Ở chợ có mấy đứa trẻ Việt Nam chạy giữa các quầy hàng. Chúng đang chơi một trò thú vị. Một đứa cứ lát lại kêu lên: “OMON, OMON”. Mỗi lần nghe thấy từ này, bạn bè của nó vừa la hét vừa chạy tán loạn.
"Công an đã có lần bắt tôi. Họ đưa tôi về đồn. Đầu tiên là sờ soạng, sau đó lột trần, cả váy, cả tất", một cô gái trẻ Việt Nam suýt khóc khi kể chuyện. "Họ tìm tiền, tìm được thì lấy bằng hết. Họ còn tống người bạn của tôi vào ôtô và cũng lột sạch tiền của anh ấy".
Có khi, những người bị bắt trong các đợt bố ráp bị chở tới trại tạm giữ trên đường cao tốc Dmitrovsky. Cảnh sát yêu cầu họ liên lạc với bạn bè ở Nga, để giúp mua vé về Việt Nam (giá gần 700 USD). Nhưng chẳng mấy ai có được bạn bè hào phóng như thế, vì vậy vấn đề được giải quyết một cách đơn giản hơn. Đút lót chừng 100-200 USD và bạn có thể được buôn bán trở lại.
Thực sự chuyện gì đã xảy ra ở Saliut-3?
Dưới đây là lời kể của các nhân chứng - những doanh nhân Việt Nam và những người Nga làm việc ở đây.
Thứ sáu, một buổi tối tháng 8. Những người quản lý chợ không có mặt, chỉ còn những bán hàng. Một chiếc xe tiến vào sân, bên trong chứa đầy đồ da. Bỗng nhiên, từ đâu xuất hiện những cảnh sát đeo mặt nạ, mang súng tiểu liên, và như trong những bộ phim gangster , họ đẩy các tài xế ra khỏi cabin xe hàng, ngồi sau tay lái rồi chuẩn bị phóng đi. Các doanh nhân nhanh chóng chuyển tín hiệu SOS bằng radio nội bộ (trong mỗi chợ của người Việt đều có cái radio như vậy). Vậy là những người bán hàng đổ ra đường phố, tạo thành hàng rào sống, không cho các xe rời hiện trường. Có 2 xe phóng đi theo một hướng không rõ, 6 xe hàng khác thì bị những người Việt chặn lại.
Cảnh sát bắt đầu giải thích cho các doanh nhân rằng họ chỉ tịch thu hàng giả mang nhãn Adidas. “Adidas. Adidas nào?” những người Việt Nam phẫn nộ. “Toàn đồ da thôi!” Các doanh nhân cầm đá, gậy, bất cứ cái gì tiện tay và ném vào các cảnh sát đặc nhiệm (kết quả, có 2 cảnh sát bị thương).
Những ngày tiếp theo, đội đặc nhiệm thuộc Bộ Nội vụ cho các doanh nhân vào khu chợ theo từng nhóm nhỏ. Có lần, những người Việt định tìm cách đồng loạt xông vào chợ (thậm chí họ suýt phá đổ tường chắn bằng bêtông), nhưng cảnh sát ngăn lại. Sang ngày thứ hai, những người Việt Nam, túc trực tại khu chợ 24/24 giờ, dõi mắt nhìn 3 chiếc xe tải chở hàng rời khỏi khu chợ.
Sau những vụ mất trật tự này, thị trưởng Matxcơva ra lệnh cho cảnh sát kiểm tra tất cả các chợ có nhiều người nước ngoài. Những nhân vật am hiểu trong tòa thị chính và lực lượng cảnh sát đều xác nhận việc này chủ yếu đánh vào người Việt Nam. Cộng đồng người Việt cũng lan truyền tin đồn rằng giờ đây người ta sẽ không để họ làm việc nữa: “Chỉ hai ba năm nữa, họ sẽ tống cổ chúng tôi khỏi Matxcơva như những con mèo”.
Phạm Thị Vân ở trên đất khách đã 14 năm. Hồi ấy, cô gái trẻ tỉnh Lâm Đồng đến Liên Xô và làm việc tại một xí nghiệp dệt ở Egorievsk. Bố mẹ Vân đã qua đời vì bom Mỹ. Vân rời bỏ cuộc sống nghèo khổ ở quê hương, đến đây kiếm tiền nuôi con. Chồng cô ở lại Việt Nam cùng với đứa nhỏ. Khi thời thế ở Liên Xô thay đổi, xí nghiệp giải thể, những người Việt Nam không có việc làm. Theo thỏa thuận giữa Liên Xô và Việt Nam, lẽ ra những người như Vân phải được thu xếp về nước. Nhưng nước Nga bắt đầu tiến hành cải cách, chính phủ không còn bụng dạ nào để lo chuyện này. Thế là Vân bắt đầu ra chợ bán hàng.
Có hàng trăm số phận như thế ở mỗi ngôi chợ Việt Nam trên nước Nga. Sĩ, điều hành khu chợ của người Việt, học ngành vật lý, mới bảo vệ bằng tiến sĩ. Hiện anh đang chờ một lời mời làm việc ở phương Tây.
Điều khiến anh đau lòng là tình bạn giữa người Nga và người Việt, mới đây còn nồng ấm là thế, giờ đã biến thành nếu không phải thù ghét thì cũng là thói khinh miệt được che đậy hớ hênh: "Không lẽ chúng tôi kinh doanh vải vóc và tiền thì là có tội ư. Có đúng là người Việt Nam mang vào Nga hàng tấn hàng không hợp pháp? Không, chúng tôi mua tất cả của những người bán buôn. Nếu hàng cất trong kho, có nghĩa là đã được nhập, kèm theo giấy phép đàng hoàng".
Điều đáng nói ở đây, lý do chính thức được nêu ra để đóng cửa Saliut-3 không phải là vì hàng không hợp pháp, cũng không phải vì thiếu giấy tờ. Chợ đóng vì "không tuân thủ quy định phòng cháy chữa cháy và tiêu chuẩn vệ sinh". Những quy định này quả là "tiện". Người kiểm tra chỉ cần tìm một cái cớ nào đó và tuyên bố: “Các anh không đạt tiêu chuẩn về vệ sinh”, thế là đủ.
Những doanh nhân Việt Nam là ai?
Điển hình là một người sống ở nông thôn, vay 1.000 USD để mua vé máy bay tới Nga thăm họ hàng. Tại đây, anh ta hy vọng trong vòng một năm sẽ trả hết nợ và anh ta có thể thực hiện ước mơ về ngôi nhà riêng. Thực tế, ít khi giấc mơ trở thành hiện thực.
Trung bình, những người này kiếm được gần 500 USD/tháng. 200 USD dành cho cái ăn và chỗ ở. Rất nhiều tiền (những người Việt Nam không tiết lộ con số cụ thể) dùng để đút lót cảnh sát và các cơ quan quyền lực khác, xin giấy phép và mua hàng. Giấy phép thì họ thường nhờ người ở Matxcơva đứng tên, như vậy sẽ đơn giản hơn. Điều quan trọng nhất là khâu chọn hàng. Chẳng hạn, Vân chỉ chuyên buôn hàng của các nhà sản xuất Nga, nhờ thế, người mua không kêu ca, thanh tra không hoạnh họe.
Nhóm thứ hai, đó là những người Việt Nam được đào tạo ở Nga, và sống ở đây đã hơn 10 năm. Nhóm này có một mục tiêu: kiếm vốn ở Nga để làm ăn trong nước. Khoản tiền họ định ra là 100.000 USD (ở Việt Nam chừng đó là có thể xây nhà và mở cửa hàng). Những người này thường lãnh trách nhiệm quản lý tại các khu chợ.
Nhóm nhỏ nhất thuộc tầng lớp "quý tộc". Họ đến đây gần 20 năm trước. Con cái họ đã trở thành "người Nga", các bậc cha mẹ thường phải mời gia sư... dạy tiếng Việt cho con. Có gần 100 gia đình như vậy ở Matxcơva. Họ có vai vế trong cộng đồng, và không chỉ vậy, là những chủ doanh nghiệp, họ còn tích cực vận động các cơ quan quyền lực vì lợi ích của cộng đồng mình .
Ở Matxcơva, hiện có 6 chợ lớn và 10 chợ nhỏ hoạt động. Năm 1998, có 1.500 công dân Việt Nam đã đăng ký, năm 1999: 5.270, năm 2000: gần 11.000 người. Nhưng đó là những đối tượng hợp pháp. Còn những người hoạt động trái phép không dưới con số 55.000-60.000. |
...Sau hôm xảy ra vụ việc, tại ban quản lý Saliut-3, một quỹ trợ giúp nào đó đề nghị người Việt mua rẻ... đồ da. Hóa ra, đó chính là hàng trên các xe hàng của họ. Một thành viên của quỹ này nói: “Mua lại hàng đi, nếu không các anh chị sẽ có hàng đống khó khăn đấy”. Lúc bấy giờ, những người Việt Nam từ chối mua lại hàng của chính mình. Sau đó một tuần, chính quyền thành phố thông báo đóng cửa khu chợ.
"Sau cuộc nổi dậy ở Saliut-3, một số quan chức đã nói riêng với chúng tôi: Các anh đã ký vào bản án tử hình của chính mình", một doanh nhân Việt Nam kể lại. "Chúng tôi cũng hiểu điều đó chứ. Chúng tôi cầm cự được cùng lắm là 2-3 năm. Có nhiều thứ để gây khó dễ: các doanh nhân không đăng ký, không có sổ chứng nhận y tế, không đóng thuế. Cần phải đút lót cho các thanh tra, số tiền này còn gấp 10-20 lần tiền thuế. Chúng tôi đã chuyển đến cơ quan di trú một loạt đề xuất về phương cách hợp pháp hóa người Việt ở Matxcơva. Nhưng không ai ở đây lắng nghe chúng tôi, vì cứ để người nước ngoài trong tình trạng không hợp pháp, đối với họ sẽ có lợi hơn. Nhưng với các nhà lãnh đạo Matxcơva, có lẽ họ báo cáo lại là chúng tôi không muốn được hợp pháp hóa".
Trong trường hợp tốt đẹp nhất, người Việt sẽ xoay được giấy để bán hàng, còn đăng ký thì rất khó khăn. Kể cả xong rồi, mọi chuyện không phải đã hết. Chẳng hạn Vân, đăng ký đã đâu vào đấy, thế mà cảnh sát vẫn thường xuyên vòi vĩnh tiền của cô. Phải nói thật là họ đã không thành công. Khác với các đồng nghiệp của mình,Vân không e sợ một ai. Cuối cùng thì tính kiên định của người châu Á cũng thắng thói kỳ kèo của cảnh sát, họ đồng ý trao giấy tờ cho cô. Nhưng rồi giấy tờ đột nhiên... biến mất.
Cũng phải thừa nhận, đối với các cảnh sát, ngoài thu tiền phạt ra, họ không còn cách nào để "đối phó" với người Việt Nam. Chính phủ đâu có tiền cho việc trục xuất.
Hoạt động phạm pháp
Về vấn đề "mafia người Việt" bí hiểm, những người Việt Nam khẳng định với chúng tôi là không có chuyện đó.
"Người Nga tin rằng, có rất nhiều tội phạm trong số những người Việt", Sĩ nói. "Tôi có thể nói gì đây? Những kẻ bất hảo thì cộng đồng nào mà không có. Chúng tôi thì chỉ muốn sống yên ổn, đóng thuế và buôn bán thôi".
Dĩ nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Một người lương thiện như Sĩ có thể không tường tận được mọi chuyện. Chẳng hạn, có lần căn hộ của một người Việt Nam bị hai vị đồng hương đột kích đòi tiền: vài nghìn đôla. Chủ nhà nói rằng tiền của cô để hết ở chợ. Khi hai tay tống tiền ra đến chợ, những người Việt Nam bắt và nhốt chúng lại. Sau đó, các nhân viên lãnh sự đến, lấy lời khai và ngày hôm sau tống những kẻ vòi vĩnh về nước. Đây rõ ràng là một sự vi phạm luật pháp Nga: đúng ra, họ phải báo mọi hành vi tội phạm cho cảnh sát. Nhưng họ lại tự xử lý kín trong vòng cộng đồng của mình.
Tại các khu chợ, người Việt có tất cả những gì cần thiết cho sinh hoạt của họ: những hiệu thuốc không được cấp phép, tiệm cắt tóc, nơi bảo dưỡng ôtô. Có cả sòng bạc, nhà chứa. Những nơi thế này chỉ đón những nhân vật đã qua sàng lọc. Đôi khi cũng có ngoại lệ. "Có lần để mua chuộc tôi, họ mời tôi đến một nhà tắm hơi", một thanh tra kinh tế kể lại. "Họ thuyết phục rất lâu, hứa hẹn những cô gái đẹp nhất, rượu cognac ngon, hồ bơi... Phương cách thông thường của họ là quay lén: bằng chứng nhất hạng để làm mất thanh danh. Lên tiên một giờ - vết nhơ cả đời".
Khác biệt về văn hóa
Những năm gần đây, hiểu rằng không thể tồn tại độc lập ở Matxcơva, những doanh nhân Việt Nam thuê người Nga quản lý các chợ.
"Có sự khác biệt rất lớn trong lối suy nghĩ của dân Việt và dân Nga", Tatyana, một người quản lý dân Matxcơva chính gốc, kể lại. "Tôi bảo anh ta Làm cái này, cái này đi. Anh ta gật đầu, mỉm cười... và chả làm gì hết. Thì ra là tôi nói với anh ta không đúng ngữ điệu (trong tiếng Việt, phần lớn ngữ nghĩa của lời nói được truyền đạt bằng ngữ điệu), và anh ta tưởng là tôi đang chèn ép anh ta. Anh ta không đồng ý, nhưng không thể cãi, vì như thế là vô phép. Vậy nên đơn giản là anh ta không làm gì".
Tatyana đã làm cho người Việt Nam được 3 năm: "Những cô gái của chúng ta, buổi sáng thích uống trà, tán gẫu, còn người Việt Nam thì từ sớm tinh mơ đã đón chờ khách hàng đầu tiên. Đối với họ, điều này rất quan trọng cho cả một ngày. Khách đầu tiên sẽ được kính trọng và bán hàng giá rẻ".
Các doanh nhân khiếp sợ những tên đầu trọc. Họ thường xuyên được cảnh báo là không nên đi một mình lúc trời tối, nhớ nhìn trước ngó sau, trước khi rẽ vào nơi nào. Tuy nhiên, trong các câu chuyện, họ than phiền về cảnh sát nhiều hơn. "Cảnh sát, ấy chính là bọn đầu trọc, chỉ khác là đội mũ cảnh sát và mang súng lục thôi", họ vẫn hay nói như vậy.
Có nhiều tình tiết cho thấy sự kiện xảy ra hồi mùa hè ở khu chợ Việt Nam được tính toán và hoạch định rất kỹ. Dĩ nhiên, không ai quả quyết nói lên điều đó. Để tồn tại, tất cả các khu chợ đều phải có một nhân vật "ô dù" ở cấp cao bảo lãnh. Các chủ doanh nghiệp sẽ trích phần trăm thu nhập trả cho nhân vật này. Người ta không thể đóng cửa chợ mà không hỏi ý kiến "ô dù". Vì vậy, có nhiều khả năng, một ai đó thế lực hơn đã "chơi" người Việt Nam và mua đứt "ô dù" của họ. Tuy nhiên, những nguồn tin trong bộ máy hành pháp lại cho rằng các doanh nhân gặp phải chuyện này hoàn toàn là tình cờ. Nếu không phải họ thì có thể là người Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan bị dính đòn. Hơn nữa, các chợ khác của người Việt vẫn hoạt động bình thường.
Hầu hết tất cả những người Việt khi gặp chúng tôi đều nói: "Không thể tưởng tượng nổi, họ định tống khứ chúng tôi đi như thế nào. Chúng tôi sống ở đây đã lâu quá rồi, đã trở thành một bộ phận trong xã hội các bạn. Giá mà chúng ta có thể chung sống hòa thuận được thì tốt biết mấy".
Trên thực tế, lối kinh doanh của người Việt đang lỗi thời. Ngày nay, ít khi dân Matxcơva ra một cái chợ rẻ mua hàng. Khách hàng của doanh nhân Việt Nam hiện chủ yếu là người bán buôn ở các tỉnh.
Về cơ bản, tất cả chợ ở Matxcơva đều giống nhau. Có rất nhiều doanh nghiệp không có sổ chứng nhận vệ sinh (hoặc nếu có thì do mua được mà có) và giấy tờ cần thiết. Nếu lấy lý do như vậy mà đóng cửa, thì đúng ra phải đóng cửa tất cả các chợ.
Dân Việt Nam nói chung không quấy rầy ai cả. Họ không chiếm chỗ làm của người Matxcơva. Chủ một chợ lớn ở thủ đô, người Matxcơva, nói rằng ông ấy có thể đẩy những người Việt Nam ra khỏi đất của mình trong vòng một ngày. “Nhưng dân Matxcơva sẽ không đến đây mà làm việc như họ. Thử nghĩ xem. Có ai khùng mà dậy từ 4 giờ sáng kia chứ?".
Minh Châu (dịch theo Moskovsky Komsomolets)