Khi Ma Yi, 36 tuổi, một quản lý cấp cao tại Thượng Hải, đặt chân đến sân bay quốc tế Los Angeles, người phụ nữ này mang theo giấc mơ Mỹ của riêng mình, đó là sinh hạ đứa con đang ở tháng thai kỳ thứ 8 để có quốc tịch Mỹ.
Ma cho biết cô đã kể cho một nhân viên nhập cảnh về kế hoạch của mình. Cô nói với người này rằng cô đã xin thị thực du lịch từ vài tháng trước, nhưng sau đó quyết định muốn sinh con tại Mỹ.
Ma khẳng định đã hỏi kỹ thông tin tại lãnh sự quán Mỹ ở Thượng Hải xem liệu thị thực của mình có cho phép sinh con ở Mỹ hay không và được trả lời là không vấn đề gì. Cuối cùng, nhân viên nhập cảnh cho Ma đi qua cùng với mẹ chồng, chồng và cậu con trai 5 tuổi.
Thế nhưng sau đó tình hình bắt đầu xấu đi. Sau khi họ nhận hành lý, một nhân viên hải quan chặn họ lại và hỏi vài câu, trong đó có lý do Ma đến Mỹ. Cô kể lại câu chuyện đã kể, nhưng lần này không được chấp nhận. Ma bị cáo buộc nói dối nhân viên lãnh sự trong đơn xin thị thực. Vài giờ sau đó, Ma cùng gia đình bị đưa lên máy bay quay lại Trung Quốc và cấm nhập cảnh Mỹ trong vòng 5 năm.
"Tôi bị sốc", Ma chia sẻ qua điện thoại từ Thượng Hải. "Tôi không thể tin chuyện đó lại xảy ra. Tôi không biết rằng nước Mỹ sẽ hành động như vậy".
Ồ ạt đến Mỹ sinh con
Mỹ hiện là một trong số ít các quốc gia phát triển trao quyền công dân cho mọi trẻ em sinh ra trên đất của họ. Ngày càng có nhiều gia đình giàu có tại Trung Quốc tranh thủ lợi thế của chính sách này, với niềm tin rằng một tấm hộ chiếu Mỹ sẽ giúp con cái họ được tiếp cận một nền giáo dục tốt hơn, môi trường sạch hơn và thực phẩm an toàn hơn.
Theo Trung tâm quản lý dịch vụ các bà mẹ Mỹ, một tập hợp các doanh nghiệp chuyên tổ chức du lịch sinh nở cho khách hàng, du khách Trung Quốc đã sinh khoảng 10.000 trẻ em tại Mỹ trong năm 2012, tăng 4.200 ca so với năm 2008.
"Tôi muốn trao cho con tôi một lựa chọn khác", Ma nói. "Chúng tôi đủ điều kiện làm việc đó".
Ma cho biết cô hy vọng con mình được giáo dục ở nước ngoài. "Tôi nghĩ, nếu đứa con thứ hai của tôi có hộ chiếu nước ngoài, việc đó sẽ dễ hơn nhiều", cô chia sẻ, và cho biết những người quanh cô cũng nghĩ vậy. Họ đều tin rằng hộ chiếu nước ngoài sẽ giúp cho con cái có lợi thế hơn để vào những ngôi trường tốt, và sau đó có được việc làm tốt. "Nhiều bạn bè của tôi và đồng nghiệp đều nói về điều này", Ma nói.
Nhưng giờ đây, Ma nhận ra rằng nhiều người Trung Quốc muốn sinh con tại Mỹ đang vấp phải những trở ngại mới, khi chính phủ Mỹ tăng cường trấn áp tình trạng lợi dụng chính sách nhập cư. Hồi tháng 3, các đặc vụ Bộ an ninh nội địa Mỹ đã lục soát nhiều ngôi nhà của 3 doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ du lịch sinh nở tại Los Angeles.
Chủ các doanh nghiệp này đang bị điều tra vì nghi ngờ trốn thuế, giả mạo thị thực và sử dụng sai mục đích phúc lợi xã hội. Nhiều phụ nữ Trung Quốc, những người được xem là nhân chứng chính trong cuộc điều tra, đã bỏ trốn khỏi Mỹ. Hồi tháng 5, một luật sư đại diện cho một vài phụ nữ đã bị bắt, do bị tình nghi giúp thân chủ bỏ trốn.
Vấn đề trên tuần qua lại trở thành đề tài tranh luận, sau khi ông Jeb Bush, ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa, giải thích việc gần đây ông dùng thuật ngữ "những em bé bị dùng làm cái neo" (anchor babies) không nhằm miệt thị sắc tộc, mà chỉ là cách chỉ trích một "hệ thống gian lận trong đó nhiều người đưa phụ nữ có thai nhập cảnh để sinh con nhằm có được tư cách công dân".
Xiết chặt
Mặc dù từ năm ngoái Mỹ đã công bố chính sách thị thực "thoáng" hơn cho công dân Trung Quốc, các luật sư và nhà tổ chức du lịch sinh con khẳng định công tác kiểm soát nhập cư tại các cửa nhập cảnh lại được thắt chặt hơn.
Các công ty tại Bắc Kinh và Thượng Hải chuyên thu xếp các chuyến du lịch sinh con cho biết, kể từ sau những đợt truy quét tại Mỹ hồi tháng 3, đã có ít phụ nữ Trung Quốc sang đây sinh con hơn, còn một số khách sạn phục vụ hoạt động này phải đóng cửa. Câu chuyện về nhiều phụ nữ Trung Quốc bị từ chối nhập cảnh tại các sân bay cũng xuất hiện nhiều hơn trên mạng xã hội Trung Quốc.
World Journal, một tờ báo tiếng Trung tại Bắc Mỹ, hồi tháng 6 cho biết các căn hộ tại hạt Los Angeles, từng đón khách du lịch sinh con từ Trung Quốc, đang bị bỏ trống.
Nolan Barkhouse, người phát ngôn của đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, trong một email đã lý giải về luật của Mỹ: "Một tấm thị thực cho phép một công dân nước ngoài di chuyển đến một điểm nhập cảnh tại Mỹ (thường là một sân bay) và đề nghị được nhập cảnh vào Mỹ. Có thị thực không đồng nghĩa với việc người đó chắc chắn được vào nước Mỹ. Nhân viên Bộ an ninh nội địa, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới tại điểm nhập cảnh có thẩm quyền cho phép hoặc từ chối ai đó nhập cảnh Mỹ".
Jennifer Evanitsky, người phát ngôn hải quan Mỹ, từ chối bình luận về vụ việc của Ma, viện dẫn Đạo luật Quyền riêng tư. Trong một bức thư điện tử, bà Evanitsky khẳng định việc công dân nước ngoài sinh con tại Mỹ không hề trái luật, nhưng họ cần phải trung thực về mục đích chuyến đi.
Vỡ mộng
Trở lại câu chuyện của Ma, tháng 11/2014, chính phủ Mỹ khẳng định sẽ cấp cho công dân Trung Quốc thị thực được phép nhập cảnh nhiều lần với thời hạn tối đa 10 năm. Không lâu sau đó, Ma phát hiện mình mang thai, và nhiều bạn của chị khuyên chị sinh con tại Mỹ.
Ma sau đó đến xin thị thực hôm 16/3, khi ở tháng thứ 4 của thai kỳ. Chị nói với nhân viên phỏng vấn rằng có kế hoạch tới Mỹ du lịch. Ma nói tại thời điểm đó chưa có quyết định sinh con tại Mỹ.
"Lúc đó tôi mặc áo khoác còn bụng bầu chưa lộ rõ", Ma nói. Sau đó chị được cấp thị thực thời hạn 10 năm.
Có được thị thực, Ma mới quyết định sẽ sinh con ở nước ngoài, nên đến ngày 27/4, chị gọi điện đến lãnh sự Mỹ để hỏi xem liệu thị thực du lịch có cho phép chị làm việc đó hay không. "Họ nói với tôi rằng không sao cả", Ma kể lại.
Tuy nhiên, tại sân bay Los Angeles, một nhân viên hải quan đã phát hiện các tin nhắn Ma từng gửi cho bạn bè hôm trước khi đi phỏng vấn xin thị thực rằng, chị đang cân nhắc sinh con tại Mỹ. Ma lý giải dù đúng là như vậy nhưng tại thời điểm đó chị chưa quyết định.
"Ông ấy nói đó là bằng chứng cho thấy tôi đã gian lận khi xin thị thực", Ma thuật lại. "Ông ấy nói 'tôi đã thấy rất nhiều người như chị. Không thể có chuyện người Trung Quốc các chị tới đây đi nghỉ khi đã ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Không thể có chuyện chị đã không nghĩ đến việc tới đây sinh con khi chị xin thị thực lúc mang thai 4 tháng".
Ngày 21/7, Ma sinh một bé trai tại Thượng Hải. "Tôi ước gì mình chưa từng nghĩ đến chuyện đó", Ma chia sẻ. "Nếu tôi biết trước việc đó sẽ xảy ra, rằng tôi sẽ bị cấm nhập cảnh Mỹ trong vòng 5 năm, thì tôi đã không quyết định đến Mỹ để sinh con".
Hoàng Nguyên (theo NY Times)