"Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn nghi ngờ việc Lee Harvey Oswald hành động một mình", CNN dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi được hỏi về vụ ám sát Tổng thống Kennedy 50 năm trước. Ông Kerry từng là tình nguyện viên tham gia chiến dịch tranh cử chức thượng nghị sĩ của ông Ted Kennedy, em trai của tổng thống, và là người bạn thân thiết của cả gia tộc Kennedy.
Theo New York Daily, 5 thập kỷ sau vụ ám sát thế kỷ, chỉ có một phần tư số người dân Mỹ tin vào kết luận chính thức rằng, Oswald là thủ phạm duy nhất chịu trách nhiệm về cái chết của tổng thống Kennedy.
Kết luận trên được Ủy ban điều tra Warren, do tổng thống kế nhiệm Lyndon Johnson thành lập, đưa ra sau cái chết đầy nghi vấn của Oswald. Nghi phạm bị Jack Ruby, một chủ hộp đêm ở Dallas (bang Texas), bắn chết trên đường di chuyển từ sở cảnh sát đến nhà tù địa phương, chỉ hai ngày sau vụ ám sát tổng thống.
Năm 1976, một ủy ban đặc biệt khác được Hạ viện thành lập đã tiến hành điều tra bí mật trên diện rộng về sự thật đằng sau vụ ám sát. Sau hơn ba năm, ủy ban này kết luận, vụ ám sát Tổng thống Kennedy có khả năng là kết quả của một âm mưu lớn,. Nhưng ủy ban cũng loại bỏ khỏi danh sách nghi vấn hàng loạt cá nhân và tổ chức mà người dân Mỹ tin rằng rất có thể là thủ phạm thực sự.
Dưới đây là các giả thuyết được đưa ra sau khi ông Kennedy bị ám sát.
Tổng thống Lyndon Johnson là kẻ chủ mưu
Theo Hiến pháp Mỹ, phó tổng thống sẽ lập tức tiếp quản chức vụ nguyên thủ quốc gia sau khi tổng thống qua đời hoặc không còn khả năng điều hành đất nước. Chính vì vậy, chỉ vài tiếng sau khi Kennedy bị bắn chết, phó tổng thống Johnson tuyên thệ tiếp quản chức vụ tổng thống trên chuyên cơ Không quân số 1.
Sự kiện này kết hợp với lời đồn đại trước đó về mối quan hệ cơm chẳng lành canh canh chẳng ngọt giữa hai nhà lãnh đạo, khiến dư luận Mỹ nghi ngờ Johnson là chủ mưu của vụ ám sát.
Giả thuyết này dựa trên tuyên bố của bà Madeleine Brown, người tự nhận là tình nhân của Johnson. Theo lời kể của Brown, bà cùng Johnson tham gia một bữa tiệc với cựu phó tổng thống Richard Nixon, giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Edgar Hoover vào đêm trước khi vụ ám sát diễn ra. Johnson nói thầm với bà rằng, "chỉ sau ngày mai thôi, nhà Kennedy sẽ không bao giờ sỉ nhục ông được nữa".
Theo Dave Perry, sử gia chuyên nghiên cứu về vụ ám sát Kennedy từ năm 1976, tuyên bố của Brown là không đúng sự thật, bởi Johnson không hề tham gia bữa tiệc nói trên. "Chúng ta không có bằng chứng và những lời khai của Madeleine Brown là giả tạo", Perry cho biết.
CIA giật dây vụ ám sát
Giả thuyết Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đứng đằng sau vụ ám sát Kennedy căn cứ trên mối quan hệ căng thẳng giữa tổng thống và ban lãnh đạo cơ quan này.
Kennedy từng tuyên bố với nội các của mình, ông "muốn đập tan CIA ra thành trăm nghìn mảnh và thổi tung vào trong gió". Ý định này được đưa ra trong bối cảnh Kennedy muốn hòa hoãn với Liên Xô (cũ) sau sự kiện khủng hoảng tên lửa hạt nhân tại Cuba năm 1962, trong khi đó CIA lại giữ quan điểm trái ngược.
Ông Arthur Krock, phóng viên tờ New York Times, dẫn lời một quan chức cao cấp trong nội các Kennedy cho biết, tổng thống cũng rất lo ngại về khả năng kiểm soát của Nhà Trắng trước quyền lực ngày càng lớn của CIA.
Ngoài ra, Allen Dulles, cựu giám đốc CIA bị Kennedy sa thải năm 1961, được cho là đã tiến hành vận động để được tham gia vào Ủy ban điều tra Warren. Ông này kiên quyết cho rằng Oswald là nghi phạm duy nhất phải chịu trách nhiệm cho hành vi ám sát tổng thống.
Tuy nhiên, cựu phó giám đốc CIA John Hegerson lại khẳng định rằng, "mối quan hệ giữa CIA và tổng thống Kennedy không những được cải thiện hơn so với quan hệ trước đó với tổng thống Eisenhower, mà thậm chí các đời chính phủ sau này cũng khó lòng bì kịp".
Nhóm tài phiệt quân sự thủ tiêu tổng thống
Tiền đề của giả thiết này cũng là tổng thống Kennedy có ý định hòa hoãn với Liên Xô và chuẩn bị kết thúc sự can thiệp của quân đội Mỹ tại chiến trường Việt Nam.
Theo tác giả James Douglass, Kennedy không phải là "mẫu lãnh đạo mà CIA, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ và các nhóm tài phiệt quân sự mong muốn làm chủ Nhà Trắng".
Chính vì vậy, nhiều người cho rằng ý định hòa hoãn trên của Kennedy khiến ông trở thành mục tiêu của những nhóm lợi ích quân sự, bao gồm Lầu Năm Góc và các nhà thầu công nghiệp quốc phòng.
Tuy nhiên, sử gia Perry lại cho rằng kịch bản trên không có cơ sở, bởi Kennedy chỉ công khai bày tỏ thái độ muốn giải quyết mâu thuẫn với Liên Xô và vấn đề chiến tranh tại Việt Nam, nhưng chưa bao giờ tuyên bố sẽ rút quân.
Xã hội đen âm mưu thanh toán Kennedy
Tác giả Lamar Waldron, trong cuốn "The Hidden History of the JFK Assassination" (tạm dịch: "Bí ẩn lịch sử trong vụ ám sát John Kennedy"), cho rằng các ông trùm xã hội đen Carlos Marcello và Santo Trafficante là những kẻ đứng sau vụ ám sát, nhằm chống lại nỗ lực diệt trừ nạn mafia của tổng thống Kennedy.
Việc nghi phạm Oswald bị Jack Ruby, một chủ hộp đêm có nhiều liên hệ với giới xã hội đen, bắn chết chỉ hai ngày sau vụ ám sát tổng thống, khiến không ít người dân Mỹ tin vào giả thuyết này.
Tuy nhiên, sử gia Perry cho rằng giả thuyết này không có tính xác thực, bởi "có ít nhất ba băng đảng khác nhau tuyên bố thực hiện độc lập vụ ám sát, là các băng đảng ở Chicago, Miami và New Orleans. Nhưng, tất cả chỉ là lời đồn đại".
Oswald tiến hành ám sát dưới sự chỉ đạo của Cuba
Oswald từng là cựu binh sĩ Hải quân Mỹ, nhưng đào tẩu sang Liên Xô năm 1959. Nghi phạm này quay trở lại Mỹ vào tháng 6/1962.
Trước khi quay về Dallas, nơi gia đình Oswald sinh sống từ năm 1944, nghi phạm này từng có ý định đến Cuba. Ngày 27/9/1963, Oswald nộp đơn xin visa tại đại sứ quán Cuba ở Mexico, nhưng không được chấp thuận.
Ông Philip Shenon, phóng viên tờ New York Times, trong cuốn sách "A Cruel and Shocking Act: the Secret History of the Kennedy Assassination" (Tạm dịch: "Một hành động tàn nhẫn và gây chấn động: Bí mật lịch sử vụ ám sát Kennedy"), cho rằng Oswald được các điệp viên Cuba khuyến khích thực hiện âm mưu ám sát, nhằm gây ấn tượng với chính phủ nước này.
Gỉả thuyết này từng được Ủy ban điều tra Warren cân nhắc, nhưng sau đó, chính ủy ban này phủ nhận khả năng trên vì thiếu bằng chứng xác thực.
Đức Dương (tổng hợp)