Otto Warmbier ngày 16/9 tử vong vì tổn thương não nghiêm trọng sau 17 tháng bị Triều Tiên giam giữ vì hành vi lấy trộm khẩu hiệu tuyên truyền ở khách sạn tại Bình Nhưỡng. Cái chết của nam sinh 22 tuổi này làm dấy lên lo ngại về số phận của ba công dân Mỹ đang bị Triều Tiên giam giữ và kết án tù khổ sai, theo Guardian.
Joseph Yun, đặc phái viên Mỹ ở Triều Tiên, đã gặp ba người này trong quá trình đàm phán thả tự do cho Warmbier. Ông Yun cho biết đã đề nghị Bình Nhưỡng đồng thời thả tự do cho ba công dân này nhưng chưa thành công.
Kim Sang Duk
Kim Sang Duk, hay còn gọi là Tony Kim, bị bắt tại sân bay khi chuẩn bị rời Triều Tiên hồi tháng 4/2017. Trước khi bị bắt vì "có hành động thù địch chống lại Triều Tiên", ông Kim là giáo sư giảng dạy một thời gian ngắn tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (PUST).
Hiệu trưởng PUST cho biết người đàn ông ngoài 50 tuổi này có liên quan tới "một số hoạt động khác ngoài phạm vi PUST như giúp đỡ một cô nhi viện". Trước khi giảng dạy ở PUST, ông giảng dạy tại Đại học Bách khoa Diên Biên, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đưa tin ông này tham gia các hoạt động viện trợ nhân đạo ở Triều Tiên. Vợ ông Kim cũng có mặt tại sân bay khi chồng bị bắt. Bà sau đó đã quay lại Mỹ.
Kim Hak-song
Ngay sau vụ bắt giữ Kim Sang-duk, một giảng viên khác tại PUST là Kim Hak-song cũng bị bắt giữ vì bị tình nghi "có hành vi thù địch". Theo CNN, Kim là công dân Mỹ, hợp tác với PUST trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và quan tâm tới việc giúp đỡ Triều Tiên tăng sản lượng nông nghiệp.
Ông Kim là người dân tộc Triều Tiên, sinh ra ở Trung Quốc và di cư sang Mỹ trong thập niên 1990. Ông cũng làm mục sư trong nhà thờ truyền giáo Phúc âm Đông phương tại Los Angeles.
Sau khi chồng bị bắt, vợ ông là bà Kim Mi-ok chia sẻ: "Tôi hy vọng vụ việc được giải quyết theo cách nhân đạo và ông ấy được về với gia đình. Người thân đang đợi ông ấy".
Kim Dong Chul
Việc bắt giữ Kim Dong Chul chỉ được biết đến hồi tháng 1/2016 khi phóng viên CNN phỏng vấn người này tại Bình Nhưỡng. Ông Kim nói mình là công dân Mỹ, bị bắt vì làm gián điệp cho Hàn Quốc.
Cuộc phỏng vấn diễn ra trước sự giám sát của binh lính Triều Tiên, vì thế phóng viên CNN không thể xác định có hay không việc ông Kim bị ép thừa nhận làm gián điệp cho "các phe phái bảo thủ Hàn Quốc" từ tháng 4/2013.
Ông này bị kết án 10 năm tù khổ sai hồi tháng 4/2016 với tội danh làm gián điệp và âm mưu lật đổ nhà nước. Theo CNN, ông có vợ và hai con gái sống ở Trung Quốc.
Ma Young-ae, một người Triều Tiên đào tẩu đang sống tại New York, tiết lộ bà từng gặp gỡ và đi du lịch cùng Kim năm 2007, khi đó ông là một nhà truyền giáo.
"Ông ấy nói với các nhà thờ rằng mình là nhà truyền giáo đang gửi hàng viện trợ từ Trung Quốc sang cho Triều Tiên", bà Ma nói.
Hồng Hạnh