Tổng thống Pháp: 'Nước Pháp đang có chiến tranh'
Đây là tuyên bố của Tổng thống Francois Hollande vài giờ sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào Paris hôm 13/11. Loạt vụ tấn công liên hoàn do các phần tử có liên hệ với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện khiến 130 người thiệt mạng. Pháp đẩy mạnh nỗ lực tấn công IS tại Trung Đông và thúc đẩy việc thành lập một liên minh lớn truy kích nhóm khủng bố này.
Danh sách các câu nói đáng chú ý này do Washington Post lựa chọn.
Tổng thống Syria: 'Khủng bố bành trướng là do chính sách sai lầm của phương Tây'
"Những chính sách sai lầm của các quốc gia phương Tây, nhất là Pháp, trước các diễn biến trong khu vực, và việc họ làm ngơ cho một số đồng minh của mình tiếp tay cho những kẻ khủng bố, là lý do đằng sau sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố", Tổng thống Bashar al-Assad nói.
Nhà lãnh đạo Syria ra tuyên bố trên sau thảm kịch khủng bố tại Pháp. Ông al-Assad cho rằng các quốc gia đang ủng hộ phe đối lập tại Syria - trong đó có một số nhóm phiến quân - là sai lầm lớn. Pháp từ lâu vẫn yêu cầu ông Assad phải từ chức, trong khi một trong những đối thủ của Assad tấn công Paris.
Cuộc nội chiến tại Syria gây thương vong lớn cùng thiệt hại không thể đo đếm cho người dân. Một nửa dân số phải rời bỏ nhà cửa. Hơn 4 triệu người Syria đến nay đã rời đất nước. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng này đã thông qua một thỏa thuận quan trọng về tiến trình hòa bình để chấm dứt xung đột tại Syria, nhưng không đề cập tới việc ông Assad phải từ chức như yêu cầu của Pháp và Mỹ trước kia.
Thủ tướng Đức: 'Chúng ta đương đầu được'
Tạp chí Time năm nay bình chọn bà Angela Merkel là "Nhân vật của năm", một phần vì sự ủng hộ mạnh mẽ bà dành cho người tị nạn. Hàng chục nghìn người di cư đã đổ tới châu Âu trong năm nay.
Tuyên bố của bà hồi mùa hè rằng Đức có thể tiếp nhận một triệu người tị nạn và những cảnh báo liên tục của bà về trách nhiệm của châu Âu đối với những người chạy trốn khỏi chiến tranh đã khiến uy tín quốc tế của bà Merkel lên cao. Dù vậy, quan điểm này của bà lại không thực sự được ủng hộ tại Đức, thậm chí gây tranh cãi trong nội bộ đảng cầm quyền cánh hữu của bà.
Thủ tướng Hungary: 'Họ đại diện cho một văn hóa hoàn toàn khác'
Là một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất việc tiếp nhận người di cư, Thủ tướng Hungary Viktor Orban từng tuyên bố: "Những người đang đến đây lớn lên với một tôn giáo khác và đại diện cho một văn hóa hoàn toàn khác".
Chính phủ cánh hữu của ông Orban đã xây dựng một tuyến hàng rào dọc theo biên giới với Serbia để ngăn cản dòng người di cư tiến vào từ Hy Lạp và các quốc gia phía đông và nam châu Âu. Dù đa số người di cư không có nguyện vọng ở lại Hungary, ông Orban xem họ như một mối đe dọa dân sự.
Quan điểm cứng rắng của ông Orban gây tranh cãi sâu sắc ở châu Âu, tâm điểm của khủng hoảng di cư năm nay.
Thủ tướng Hy Lạp: 'Chúng ta có cơ hội lớn cho một khởi đầu mới'
Đảng Syriza cánh tả của Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng một, và chính trị gia này không ngừng thuyết phục công chúng về một con đường mới, để vực dậy đất nước sau nhiều năm ngập chìm trong nợ công và chính sách thắt lưng buộc bụng. Ông Tsipras cho rằng Hy Lạp có cơ hội để bắt đầu một thời kỳ mới tự chủ về chính sách, không phải tuân theo các yêu cầu thắt chặt chi tiêu của các chủ nợ.
Tuy nhiên việc không đạt được thỏa thuận với giới chức Liên minh châu Âu (EU) đã đẩy chính phủ của ông Tsipras vào tình thế khó khăn như trước. Dù đảng Syriza tiếp tục chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 9, tỷ lệ ủng hộ của họ đã giảm sút nhiều.
Khủng hoảng nợ Hy Lạp là một mảng đáng chú ý trong bức tranh kinh tế thế giới năm qua, thử thách sự đoàn kết của châu Âu cũng như khả năng chèo lái của các nhà lãnh đạo Liên minh.
Tổng thống Mỹ: 'Tự do mạnh hơn nỗi sợ'
Sau loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris và San Bernardino, Mỹ, Tổng thống Obama phát biểu để trấn an dư luận hôm 6/12. Ông khẳng định Mỹ sẽ đánh bại IS.
Dù vậy ông cũng khẳng định việc đối phó với các mối đe dọa an ninh không nên đồng nghĩa với "từ bỏ các giá trị của chúng ta".
Phát ngôn của ông nhắm đến những tranh luận tại Mỹ, khi các ứng viên đảng Cộng hòa nêu lên sự nguy hiểm của những người Hồi giáo cực đoan, kêu gọi ngăn chặn dòng người di cư từ Syria, và thậm chí có người đề xuất cấm nhập cảnh đối với toàn bộ người Hồi giáo.
Thủ tướng Anh: 'Các người không phải tín đồ Hồi giáo'
Thủ tướng David Cameron lặp lại câu nói của một nhân chứng, người đã trở nên nổi tiếng sau khi lên án một kẻ nghi là phiến quân Hồi giáo âm mưu tấn công ga tàu điện ngầm ở London.
Cộng đồng tín đồ Hồi giáo cho rằng những kẻ tấn công khủng bố và cực đoan không phải là gương mặt đại diện cho họ, bởi đa số người Hồi giáo cũng muốn có cuộc sống yên bình và hài hòa với các cộng đồng khác.
Dù nhiều nhà lãnh đạo phương Tây vẫn kêu gọi bình tĩnh và khoan dung, thái độ của dân chúng Mỹ và châu Âu đối với người Hồi giáo đang ngày một khắt khe.
Tổng thống Iran: 'Một chương mới đã mở ra'
Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố rằng "một chương mới đã mở ra" trong quan hệ giữa Iran và thế giới, trong bài phát biểu trước đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9.
Tuyên bố được đưa ra sau một thỏa thuận lịch sử hồi tháng 7, giữa Iran và các cường quốc thế giới gồm 5 nước trong Hội đồng Bảo an và Đức, về chương trình hạt nhân của Tehran. Đây là thỏa thuận được trông chờ từ cả chục năm nay. Theo đó, Iran sẽ tuân thủ nghiêm các giới hạn về năng lực hạt nhân, để đổi lại việc được nới lỏng các biện pháp trừng phạt của quốc tế.
Thủ tướng Israel: 'Đây là sai lầm lịch sử!'
Không phải mọi nhà lãnh đạo thế giới đều đồng tình với thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và các cường quốc thế giới. Người giận dữ nhất là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, với tuyên bố đây là "sai lầm to lớn và mang tính lịch sử". Israel đã có nhiều tháng vận động đình chỉ việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt chính quyền Iran.
Tổng thống Nga: 'Thánh Allah trừng phạt nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ'
Một trong những bất ổn địa chính trị nguy hiểm nhất bùng phát trong năm qua diễn ra sau khi Nga đưa quân vào Syria để hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Assad và tiến hành chiến dịch không kích chống khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11 bắn rơi máy bay Su-24 của Nga tại biên giới với Syria.
Hành động này đã làm bùng phát một cuộc chiến ngoại giao giữa hai bên, Tổng thống Nga Putin nói rằng: "Thánh Allah đã quyết định trừng phạt giới cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tước bỏ sự sáng suốt của họ".
Quan hệ giữa Moscow và Ankara vẫn căng thẳng khi hai bên tiếp tục khẩu chiến và tung ra các đòn trừng phạt và trả đũa lẫn nhau.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: 'Tôi sẽ từ chức, nếu...'
Trước cáo buộc của Nga rằng chính quyền Ankara ngó lơ cho hoạt động buôn lậu dầu phi pháp của IS qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria và Iraq, Tổng thống Tayyip Erdogan đã phản ứng giận dữ. Ông tuyên bố: "Tôi sẽ từ chức", nếu Nga có thể chứng minh cáo buộc này.
Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền của ông Erdogan mất vị thế đa số tại quốc hội trong cuộc bầu cử hồi tháng 6. Không chút e ngại, ông Erdogan kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử khác vào tháng 11 và giành thắng lợi. Chiến thắng giúp củng cố vị thế của Erdogan với tư cách nhà lãnh đạo nổi bật nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, kể từ thời Mustafa Kemal Ataturk, tổng thống đầu tiên của nước này.
Thủ tướng Nhật: 'Thương tiếc sâu sắc' nhưng không xin lỗi về chiến tranh
Trong dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II, Thủ tướng Nhật Abe đã có bài phát biểu rằng ông "bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc, và lời chia buồn chân thành, vĩnh viễn" về vai trò của Nhật trong cuộc chiến. Ông tránh nói lời xin lỗi về những gì chế độ quân phiệt Nhật gây ra trong Thế chiến II.
Việc chính phủ Nhật không xin lỗi về quá khứ khiến Trung Quốc và Hàn Quốc tức giận. Tranh cãi giữa Bắc Kinh và Tokyo về vấn đề lịch sử vẫn âm ỉ, trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực ngày một lớn, khi nhiều quốc gia lo ngại bởi hành vi hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông và các vùng biển khác.
Thủ tướng Ấn Độ: 'Đất nước này phải đoàn kết'
Những vụ tấn công của một số người dân tộc chủ nghĩa theo đạo Hindu vào những người theo đạo Hồi, liên quan đến việc ăn thịt bò, đã khiến dư luận Ấn Độ xáo động. Nhiều người Hindu xem bò là con vật linh thiêng và ăn thịt bò là điều cấm kỵ..
Không ít người lo ngại rằng việc chính phủ của ông Modi, một người dân tộc chủ nghĩa Hindu, sẽ làm gia tăng bầu không khí thiếu khoan dung và những đe dọa với người thiểu số. Tuy nhiên ông Modi đã phá vỡ sự im lặng đầy nghi ngại đó, và hối thúc người dân Ấn Độ đoàn kết lại để chiến đấu chống đói nghèo, thay vì đối đầu.
Tổng thống Zimbabwe: 'Sư tử Cecil là của các anh'
Sau vụ việc con sư tử nổi tiếng của vương quốc gia có tên Cecil bị sát hại, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, thay vì nhận trách nhiệm, đã đổ lỗi cho người dân. "Sư tử Cecil là của các anh, thế nhưng các anh lại không bảo vệ được nó", ông nói và cho rằng người dân chính là bên phải chịu trách nhiệm.
Cecil bị giết một cách phi pháp bởi một thợ săn Mỹ. Vụ việc làm bùng lên phản ứng giận dữ từ dư luận quốc tế, nhưng tuyên bố của ông Mugabe bị xem là chẳng giúp gì cho các nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã và không thừa nhận trách nhiệm của lãnh đạo.
Mugabe, 91 tuổi, làm tổng thống Zimbabwe từ năm 1987 đến nay.
Thủ tướng Canada: 'Vì giờ đã là năm 2015'
Khi tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau được hỏi vì sao nội các của ông có số thành viên nam nữ bằng nhau, và ông trả lời: "Vì giờ đã là năm 2015 rồi".
Đảng Tự do của ông Trudeau giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang hồi tháng 10, và giúp khiến ông trở thành thủ tướng trẻ thứ hai lịch sử Canada ở tuổi 42. Tuyên bố trên của ông Trudeau đã nhận được những tiếng cổ vũ và ngợi ca lớn, không chỉ tại quốc gia Bắc Mỹ này và còn ở phạm vi quốc tế.
Hoàng Nguyên