Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương trong cuộc họp báo hôm qua xác nhận sự việc một tàu cá Việt Nam chìm ở vùng biển gần nơi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.
Tuy nhiên, ông Tần nói rằng tàu Việt Nam bị chìm "sau khi quấy rối và đâm vào một tàu cá Trung Quốc", tàu cá này thuộc thành phố Đông Phương, tỉnh Hải Nam. Điều này trái với thực tế mà Hà Nội công bố hôm 26/5, theo đó một tàu cá của Việt Nam bị hàng chục tàu Trung Quốc vây quanh và sau đó đâm chìm.
Ông Tần cũng nói Việt Nam đang "hành động nguy hiểm trên biển" khi can thiệp vào "những hoạt động bình thường" của phía Bắc Kinh. Cái mà ông Tần gọi là bình thường này là hành động khiêu khích của Trung Quốc khi đưa giàn khoan 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam từ ngày 2/5, đem theo nhiều tàu hộ tống và chủ ý tấn công đâm va vào các tàu chấp pháp Việt Nam.
Hành động đâm chìm tàu cá mà phía Trung Quốc thực hiện khiến Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự lo ngại đặc biệt, coi đó là hành vi khiêu khích và hăm dọa. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera bình luận rằng hành vi đâm chìm tàu là đáng báo động và không thể tưởng tượng được. Ông cho rằng sự thật xung quanh vụ việc "cần được trình bày một cách bình tĩnh trước cộng đồng quốc tế".
Trước đó, các chuyên gia quốc phòng và chiến lược, trong đó có Giáo sư Carl Thayer của Australia, cảnh báo rằng mật độ tàu thuyền cũng như mức độ căng thẳng tại nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan đặt ra một nguy cơ lớn. Những va chạm nhỏ nếu không được giải quyết tốt sẽ đưa đến nguy cơ xung đột ở quy mô lớn hơn.
Đâm chìm tàu, 10 ngư dân sống sót
Chiều ngày 26/5, tại ngư trường truyền thống ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá Đà Nẵng mang số hiệu ĐNa 90152 TS bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 11209 đâm chìm. 10 ngư dân trên tàu Việt Nam rơi xuống biển và sau đó đã được lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển giải cứu an toàn.
Từ đầu tháng này, nhiều tàu cá của Việt Nam bị các tàu của Trung Quốc liên tục khống chế, xua đuổi, gây thiệt hại về tài sản. Nghiêm trọng hơn, lực lượng chức năng Trung Quốc đã có những hành vi đánh đập, gây thương tích, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt những hành động vô nhân đạo, xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế đồng thời xử lý nghiêm những người có liên quan, không để tái diễn những hành động tương tự.
Đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng triệu đại diện đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm qua trấn an dư luận rằng "các nước không cần phải lo lắng về chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông" và Bắc Kinh "vẫn đang theo đuổi việc duy trì hòa bình và ổn định" trên vùng biển này.
"Là một tuyến đường huyết mạch, Biển Đông quan trọng với Trung Quốc hơn so với các nước khác. Trung Quốc phụ thuộc vào Biển Đông vì là nước có giao thương hàng hóa lớn nhất thế giới, Trung Quốc mong muốn duy trì hòa bình ở đây", ông Lưu nói.
Anh Ngọc