Mỹ tuần qua cáo buộc Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông với việc triển khai các tên lửa hiện đại, chiến đấu cơ và hệ thống radar trên các đảo.
Trong khi đó, Bắc Kinh lại bày tỏ sự tức giận trước những cuộc tuần tra trên biển và trên không để thể hiện quyền tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông. Trong đó có chuyến bay của hai máy bay ném bom chiến lược B-52 hồi tháng 11 năm ngoái và một khu trục hạm đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
"Mỹ mới là nước thực sự thúc đẩy quân sự hóa Biển Đông", Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua. "Việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo và đá ở Biển Đông là thực sự cần thiết".
Ông Wu cũng cho rằng dư luận đang bị "lóa mắt" trước những thông tin "bị thổi phồng" từ truyền thông Mỹ về những thiết bị mà Trung Quốc triển khai ở Biển Đông. Ông này cáo buộc Mỹ "tiêu chuẩn kép" và đặt câu hỏi tại sao hoạt động tuần tra của nước này trên Biển Đông lại không bị xem là quân sự hóa.
Ngày 17/2, báo chí Mỹ đưa tin Trung Quốc đã triển khai các tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tiếp đó, tình báo Mỹ ghi nhận sự hiện diện của các chiến đấu cơ Thẩm Dương J-11 và Tây An JH-7 trên đảo Phú Lâm.
Ngày 23/2, Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho biết những hình ảnh chụp vào cuối tháng một cho thấy Bắc Kinh có thể đã bố trí hệ thống radar tần số cao tại đá Châu Viên, một trong 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép.
Những động thái trên của Trung Quốc vấp phải sự phản đối của nhiều nước. Nhật Bản yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ ràng về hành động điều tên lửa. Australia, New Zealand cũng đồng loạt kêu gọi Trung Quốc ngừng quân sự hoá Biển Đông.
Trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho rằng hành động của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hoá ở Biển Đông, mà còn đe doạ đến hoà bình, ổn định ở khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Người phát ngôn cũng khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì, hoà bình ổn định ở khu vực trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Tuần này, khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm Washington, đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, khẳng định nước này vẫn sẽ tăng cường các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông và tố cáo Trung Quốc đang nỗ lực thống trị về mặt quân sự ở Đông Á.
Anh Ngọc