Công ty Phát triển Tàu du lịch Quốc tế Tam Á sẽ mua từ 5 tới 8 tàu và dự định xây dựng 4 bến tàu ở thành phố Tam Á, thuộc đảo Hải Nam, China Daily hôm nay đưa tin.
Chủ tịch công ty Liu Junli cho biết công ty đang vận hành tuyến tàu biển du lịch và định thêm hai tàu nữa cho tới mùa hè năm sau. Các tàu được cho là sẽ tới nhóm đảo Lưỡi Liềm trái phép, vốn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và phía Trung Quốc đang cân nhắc về hành trình đường biển quanh Biển Đông "vào thời điểm thích hợp".
Trung Quốc cũng định xây dựng các khách sạn, villa và cửa hàng phi pháp trên nhóm đảo Lưỡi Liềm của Việt Nam.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, chồng lấn lên tuyên bố của các nước láng giềng Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam. Trung Quốc cũng từng ngang nhiên tuyên bố ý muốn xây dựng những khu nghỉ dưỡng kiểu Maldives ở Biển Đông. Nước này còn từ chối công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài rằng "đường lưỡi bò" Bắc Kinh lập ra ở Biển Đông là phi căn cứ.
Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Việt Nam nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn bất cứ hành động nào làm leo thang căng thẳng, phức tạp thêm tình hình, đồng thời có những đóng góp tích cực vào nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Trọng Giáp