Global Times dẫn một nguồn tin liên quan cho biết cuộc hạ cánh thử nghiệm sẽ được tiến hành nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Các phi cơ phản lực sẽ tiếp cận con tàu, hạ cánh rồi cất cánh ngay sau đó.
Nguồn tin trên cũng tiết lộ rằng các phản lực cơ chiến đấu được sử dụng trong cuộc thử nghiệm là J-15, hay còn gọi là "Cá mập bay", tương đương với Su-33 của Nga. Cuộc thử nghiệm chủ yếu nhằm mục đích kiểm tra hệ thống radar và hạ cánh của tàu sân bay.
"Hạ cánh trên một con tàu đang di chuyển không phải là dễ dàng, vì thế chúng tôi sẽ tích cực tiến hành thử nghiệm và kiểm tra", nguồn tin trên nói và thêm rằng các phi công đã được huấn luyện chuyên sâu để chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm này.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc tại cảng Đại Liên. Ảnh: China post |
Tuy nhiên, ông Xu Yongling, phó phụ trách một trạm không quân và là một cựu phi công thử nghiệm trực thăng J-10, cho rằng việc thử nghiệm chưa thể diễn ra hôm nay.
"Con tàu vẫn chưa hoàn chỉnh cả về trang thiết bị lẫn đội ngũ để thực hiện các cuộc thử nghiệm như thế", ông Xu nói và cho rằng phải mất ít nhất hai tháng nữa việc hạ cánh thử nghiệm mới có thể bắt đầu trên tàu sân bay.
Văn phòng báo chí của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói không bình luận gì về các thông tin liên quan đến tàu sân bay.
Trước đó, hôm 10/8, Cơ quan An toàn hàng hải tỉnh Liêu Ninh đã ra thông báo về việc giới hạn lưu thông trên biển và liên lạc bằng sóng phát thanh trong khu vực bán kính 17 hải lý ở biển đông bắc Bột Hải. Động thái trên đã làm dấy lên những đồn đoán rằng một cuộc thử nghiệm có thể sắp diễn ra trên tàu sân bay. Chính quyền Trung Quốc cũng ban bố một lệnh cấm lưu hành từ 10-14/8 trên biển Hoàng Hải và vịnh Liêu Ninh.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, nguyên bản là tàu Varyag mua lại từ Ukraina, đến cảng Đại Liên cách đây 9 năm, trở thành mối quan tâm của quốc tế khi lần đầu chạy thử vào hôm 10/8. Mỹ và Nhật Bản đều đã lên tiếng đòi Trung Quốc giải thích về chương trình tàu sân bay, do nghi ngờ động thái này sẽ gây ảnh hướng lớn đến tình hình trong khu vực. Tuy nhiên, phía Trung Quốc khẳng định con tàu này chủ yếu được dùng cho mục đích huấn luyện và nghiên cứu.
Anh Ngọc