Báo cáo thường niên được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm nay cho thấy tổng giá trị buôn bán vũ khí hàng tỷ USD của thế giới đã tăng 16% trong giai đoạn 2010-2014 so với 5 năm trước đó.
Mỹ nằm ở vị trí dẫn đầu với 31% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí thông thường toàn cầu. Nga đứng vị trí thứ hai với 27%.
Trung Quốc, Đức, Pháp là ba nhà xuất khẩu tiếp theo, với khoảng cách khá xa, có kim ngạch xuất khẩu vũ khí mỗi nước chỉ khoảng 5%. Trong đó, Trung Quốc tăng từ mức 3% so với giai đoạn trước đó, nhỉnh hơn đôi chút so với Đức và Pháp, hai nước lần lượt đứng thứ 4 và thứ 5.
Dữ liệu của SIPRI cũng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp vũ khí nội địa của Trung Quốc. Nước này hiện đang sản xuất chiến đấu cơ thế hệ thứ tư, tàu khu trục nhỏ cho hải quân trong khi một loạt vũ khí nhỏ, đơn giản, và rẻ hơn của Trung Quốc được sử dụng khắp thế giới.
Trung Quốc từ lâu đã là nhà nhập khẩu vũ khí lớn, chủ yếu là từ Nga và Ukraine. Nền kinh tế phát triển và khả năng bắt chước công nghệ nước ngoài đang làm thay đổi mạnh mẽ xu hướng này. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu các thiết kế hiện đại và các bộ phận phức tạp như động cơ máy bay.
Trung Quốc xuất khẩu vũ khí sang 35 nước, trong đó ba nước châu Á Pakistan, Bangladesh và Myanmar nhập hơn hai phần ba số vũ khí của nước này. Bắc Kinh cũng có 18 khách hàng khác ở châu Phi.
Mỹ có lượng khách hàng đa dạng nhất trên thế giới. Trong khi đó, khách hàng hàng đầu của Nga là Ấn Độ, nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với 70% số khí tài của nước này đến từ Nga.
Doanh thu của Trung Quốc tăng 143%, tương tự Ukraine và Nga. Trong khi đó, xuất khẩu của Đức giảm 43% và của Pháp giảm 27%.
Các con số trên cũng phản ánh lượng phân phối vũ khí chứ không chỉ giá trị tài chính của các hợp đồng, báo cáo nhấn mạnh. Dù giá trị thương mại tăng lên trong thập kỷ qua, lượng vũ khí xuất khẩu vẫn chỉ bằng một phần ba so với mức đỉnh cao hậu chiến tranh đầu những năm 1980.
Anh Ngọc