Mỹ tuần trước cáo buộc Trung Quốc gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng việc triển khai tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa - động thái Trung Quốc không xác nhận cũng không phủ nhận. Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực từ năm 1974.
Tuần này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến thăm Mỹ ngày 23/2 - 25/2. Khi được hỏi liệu vấn đề Biển Đông và việc Trung Quốc triển khai tên lửa có nằm trong chương trình nghị sự khi ông Vương Nghị gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm nay nói rằng, Washington không nên sử dụng các vấn đề về cơ sở quân sự trên đảo như "cái cớ để làm phức tạp mọi chuyện".
Người phát ngôn ngang ngược nói rằng "việc Trung Quốc triển khai các thiết bị phòng thủ cần thiết và còn hạn chế" đến đảo Phú Lâm "về cơ bản không khác việc Mỹ bảo vệ Hawaii (tiểu bang nằm tách rời khỏi lục địa Mỹ)", hàm ý trắng trợn tự cho rằng Bắc Kinh có chủ quyền với đảo Phú Lâm.
"Mỹ không nên tham gia" vào tranh chấp Biển Đông, và điều này "không phải và không nên trở thành vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ", bà Hoa nói.
Bà nói rằng Trung Quốc hy vọng Mỹ giữ đúng lời hứa không đứng về phía nào trong tranh chấp và dừng "thổi phồng" các vấn đề và căng thẳng, đặc biệt là về các vị trí quân sự của Trung Quốc tại khu vực.
Trung Quốc còn lớn tiếng nói việc Mỹ điều tàu và máy bay, thực hiện các chuyến tuần tra thường xuyên trong những năm gần đây là hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Truyền thông Mỹ tuần trước công bố ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam đã trao công hàm cho đại diện đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để phản đối động thái xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng này. Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cũng có công hàm gửi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đề nghị lưu hành chính thức công hàm nói trên.
Phương Vũ