Trao đổi với VnExpress về diễn biến tại Đối thoại Shangri-La mới đây, ông Thayer nói, Trung Quốc muốn cư xử theo cách của riêng mình và đã rất tức giận khi Mỹ, Nhật và Australia cùng hòa một giọng lên án nước này vì những hành vi gây hấn trên Biển Đông.
Tuy nhiên những lời lên án này chưa thể khiến Trung Quốc xuống thang trong ngắn hạn, chuyên gia thuộc Học viện Quốc phòng Australia dự đoán.
"Trung Quốc sẽ có những hành động thách thức Mỹ và Nhật để thử quyết tâm của hai cường quốc tại khu vực, đồng thời cố gắng tranh luận rằng mình là nạn nhân trong kế hoạch của Nhật và Mỹ", ông nói.
Theo giáo sư Thayer, tình hình ở Hoàng Sa phụ thuộc vào việc các bên quản lý căng thẳng hiện nay như thế nào. Ông khẳng định chắc chắn Trung Quốc sẽ không rút lui trong quá trình đối đầu với Việt Nam ở khu vực cắm giàn khoan trái phép, vì họ e nó thể gửi đi thông điệp sai tới Washington và Tokyo.
Trong phiên bế mạc Shangri-La tại Singapore hôm 1/6, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, Trung tướng Vương Quán Trung, khi đang đọc bài phát biểu ca ngợi các chính sách trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, đã xin phép "vượt ra ngoài bài viết sẵn vài phút" để bày tỏ phản ứng trước phát biểu của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.
Ông Vương đổ lỗi cho Nhật và Mỹ phối hợp với nhau để công kích Trung Quốc. "Trung Quốc chưa bao giờ gây rối trước, chúng tôi chỉ buộc phải đáp trả sự khiêu khích từ các bên khác", ông Vương cố gắng bao biện cho hành vi hung hăng của nước này tại Hoàng Sa."
Các học giả Trung Quốc cũng bao biện rằng họ không châm ngòi, mà chỉ hành động đáp trả. Trên trang của Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc hôm nay, ông Dong Chunling thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại của nước này cho rằng Việt Nam "gần đây tìm đến rắc rối bằng cách ngăn cản hoạt động thăm dò của công ty Trung Quốc" ở gần cái gọi là quần đảo Tây Sa, tức Hoàng Sa của Việt Nam.
Ông Ernest Bower, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Mỹ, cũng nhận xét rằng Trung Quốc đang sử dụng cách để nói về mình như là nạn nhân, trong khi họ tiến hành ngày càng nhiều hành động đơn phương, hung hăng, để cố gắng tạo ra những hiện trạng mới trên biển và trên đảo.
Và khi các nước láng giềng tìm cách tự bảo vệ một cách chính đáng trước các hành động đó thì Trung Quốc lại phàn nàn. "Kiểu cư xử này tồn tại trong một thời gian dài và đang làm giảm uy tín của Bắc Kinh", ông Bower nói.
Tàu chấp pháp Việt Nam (xanh) bị tàu Trung Quốc vây quanh trên vùng biển gần nơi Trung Quốc hạ giàn khoan trái phép. Tuy nhiên Bắc Kinh luôn cho rằng họ bị "quấy nhiễu". Ảnh: Nguyễn Đông.
Việt Anh