Khu trục hạm Quảng Châu của hải quân Trung Quốc. Ảnh: Chinamil |
"Đây là một cuộc tập trận thông thường theo kế hoạch hàng năm và không nhằm vào một quốc gia hay mục tiêu cụ thể nào. Nó cũng tuân theo thông lệ và luật pháp quốc tế liên quan", AFP dẫn thông báo ngắn mà Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra tối qua.
Thông báo về cuộc tập trận hải quân của Trung Quốc được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Mỹ là một cường quốc ở Thái Bình Dương, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gọi thế kỷ 21 là thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ.
Trong chuyến công du Australia mới đây, ông Obama cũng thông báo kế hoạch điều 2.500 lính thủy đánh bộ tới đóng tại miền bắc nước này. Tổng thống Obama trở về Mỹ hôm 19/11 sau một tuần công du khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với việc góp mặt tại 3 hội nghị cấp cao (APEC, ASEAN và EAS).
Những bước đi trong chiến dịch ngoại giao mới của Mỹ nhằm định hình vai trò của một cường quốc Thái Bình Dương tất nhiên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với Trung Quốc. Bắc Kinh coi việc Mỹ đưa quân tới đồn trú tại Australia là một động thái cạnh tranh ảnh hưởng.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cảnh báo về sự can thiệp của các thế lực bên ngoài trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, vùng biển được cho là giàu tài nguyên và có ý nghĩa chiến lược. Trung Quốc và 4 quốc gia ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại đây.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Bali, Indonesia, thủ tướng Trung Quốc và tổng thống Mỹ đã có cuộc gặp gỡ. Tuy nhiên, không có một tuyên bố chính thức nào được đưa ra sau đó.
Sự phát triển vượt bậc trong khoa học và công nghệ quân sự cũng như việc ngày càng mở rộng tầm hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương của Trung Quốc thời gian qua khiến nhiều quốc gia láng giềng lo ngại. Nhật Bản hồi tháng 8 thậm chí đã phát hành sách trắng quốc phòng thường niên có nội dung bày tỏ sự lo ngại trước sự gia tăng các hoạt động hải quân của Trung Quốc, đồng thời khẳng định đang tăng cường nhiều biện pháp để bảo đảm an ninh bờ biển của mình. Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Nhật Nam