Tàu sân bay Varyag trong quá trình sửa chữa. Ảnh: freewebs.
AP dẫn nguồn Tạp chí Quốc phòng châu Á Kanwa tại Hong Kong cho biết quá trình khôi phục con tàu bao gồm lắp đặt lại toàn bộ các cabin ở và công tác, động cơ, hệ thống định vị và nguồn điện.
Đây là con tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc và Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng con tàu dài 300 m sẽ được hạ thủy bất cứ lúc nào để phục vụ cho việc huấn luyện phi công.
Trung Quốc mua con tàu cũ này từ Ukraine năm 1998 và đưa nó tới cảng Đại Liên ở phía đông bắc để sửa chữa. Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên trong quân đội Trung Quốc cho hay Bắc Kinh dự định hạ thủy con tàu sân bay đầu tiên nhân ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc 1/7 năm nay.
Còn theo tạp chí Kanwa thì cuộc phục chế nhằm đưa con tàu trở lại hoạt động hoàn chỉnh và cũng là một cuộc thực tập để chuẩn bị xây dựng tàu sân bay tự chế trong tương lai của Trung Quốc.
"Đây là một dự án khổng lồ và vô cùng phức tạp, không khác gì xây dựng một tàu sân bay hoàn toàn mới", Kanwa dẫn lời một nguồn tin giấu tên trong ngành quân sự ở Đại Liên nói.
Con tàu mang tên Varyag có tải trọng 55.000 tấn, nhỏ hơn rất nhiều so với tàu sân bay George Washington của Mỹ - với tải trọng là 100.000 tấn.
Quân đội Trung Quốc chưa có bình luận gì tàu sân bay ngoài tuyên bố rằng Trung Quốc có thể sẽ có loại tàu này trong tương lai. Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt trong cuộc gặp với đồng nhiệm Nhật Bản tuyên bố rằng Trung Quốc không muốn mãi là một cường quốc không có tàu sân bay.
Nước này cũng được cho là đang mua chiến đấu cơ Su-33 của Nga chuyên hoạt động trên tàu sân bay, và chỉnh sửa loại phi cơ tự chế J-11 để có thể cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay.
Kanwa được đánh giá là một nguồn tin uy tín. Tuần trước, tạp chí này đã đưa tin chi tiết về chuyến bay thử nghiệp của chiến đấu cơ tàng hình của Trung Quốc.
Lịch sử tàu Varyag
Varyag là một trong các tàu sân bay lớp Kuznetsov do Nga chế tạo từ đầu những năm 1980. Ban đầu loại tàu này có tải trọng 90.000 tấn, trang bị động cơ hạt nhân, tương tự như các hàng không mẫu hạm của Mỹ, có các máy phóng máy bay bằng hơi nước). Tuy nhiên, do chi phí chế tạo quá cao và do độ phức tạp của thiết kế, Nga buộc phải thu nhỏ quy mô con tàu, nó chỉ còn lại 65.000 tấn khi tải tối đa và không có các máy phóng hơi nước. Vì thế trên đường băng các máy bay phải cất cánh theo kiểu chạy lấy đà.
Bộ động cơ hạt nhân cũng bị bỏ, tuy nhiên Kuznetsov vẫn là một bộ máy khổng lồ và hoàn hảo. Tàu dài khoảng 320 mét, thông thường có thể mang được hàng chục phi cơ chiến đấu Su-27 bản dành cho hải quân (thường gọi là Su-33), 14 chiếc trực thăng chống tùa ngầm, hai trực thăng chiến tranh điện tử và hai trực thăng tìm kiếm cứu nạn. Khi cần thiết, tàu sân bay này có thể chứa tới 36 phản lực cơ chiến đấu và 16 trực thăng; cho phép 500-1000 lần cất cánh.
Thủy thủ đoàn của tàu ở mức 2.500 nhân lực, có thể lên 3.000 khi tải tối đa. Hiện chỉ có hai tàu thuộc lớp Kuznetsov tồn tại, một chiếc trong hải quân Nga và một chiếc nữa chính là Varyag đã qua tay Ukraine rồi về Trung Quốc.
Song Minh