Theo tạp chí quốc phòng Canada Kanwa Asian Defence, khi hoàn thành, tàu này và một chiếc khác đang được đóng tại Đại Liên sẽ trở thành hai tàu sân bay đầy đủ chức năng và sẵn sàng chiến đấu của hải quân Trung Quốc.
Trái với nhiều dự đoán, tàu sân bay sắp được đóng tại nhà máy Giang Nam sẽ sử dụng năng lượng thông thường chứ không phải là hạt nhân.
Các chuyên gia quân sự cho biết Trung Quốc sẽ không xây dựng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân cho đến khi Bắc Kinh giải quyết một loạt các nhược điểm trong động cơ năng lượng hạt nhân, huấn luyện thủy thủ và xây dựng cảng để bảo trì tàu.
Năm ngoái, China Shipbuilding Industry Corp, công ty đóng tàu nhà nước lớn nhất Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã phê duyệt kinh phí để phát triển công nghệ lõi cho các tàu hạt nhân. Nhiều nhà quan sát nhận xét kế hoạch này nhằm xây dựng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Li Jie, một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc đã có kinh nghiệm trong việc sử dụng năng lực hạt nhân cho mục đích hàng hải, nhưng cho đến nay, công nghệ này chỉ được sử dụng giới hạn trong hạm đội tàu ngầm ngày càng được tăng cường của quân đội Trung Quốc.
"Tàu sân bay lớn hơn tàu ngầm nhiều rất nhiều. Các kỹ sư hạt nhân của chúng tôi sẽ phải mất nhiều thời gian để phát triển động cơ an toàn và mạnh mẽ, có khả năng vận hành con tàu nặng hơn 100.000 tấn", ông Li nói.
Theo báo cáo của Kanwa, nguồn tin từ ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc cho biết việc thiết kế tàu sân bay thứ hai của nước này vẫn chưa được hoàn thành.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh, vốn là tàu Varyag của Liên Xô cũ được tân trang lại. Từ khi Liêu Ninh đi vào hoạt động vào tháng 9/2012, hải quân Trung Quốc phân loại đây là tàu dùng cho mục đích huấn luyện, chứ không phải chiến đấu.
Tàu sân bay đầu tiên tự thiết kế của Trung Quốc đang được đóng tại cảng Đại Liên. Nhà máy đóng tàu Đại Liên đã tổ chức lễ cắt thép đóng tàu mới vào cuối năm ngoái. Theo SCMP, con tàu này sẽ được hoàn thành vào năm 2018.
Phương Vũ