Nghị quyết được Thượng viện Mỹ thông qua hôm 29/7, đặt ra những lo ngại về hàng loạt hành động của Trung Quốc, bao gồm ban hành bản đồ chính thức xác định vùng tranh chấp trên Biển Đông nằm trong biên giới của Trung Quốc, hay việc tàu tuần tra của nước này đi vào vùng nước tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Trung Quốc nhiều lần kêu gọi Mỹ không nên can dự vào các tranh chấp trong khu vực. "Nghị quyết do nhóm thượng nghị sĩ đưa ra không phù hợp với cả lịch sử và thực tiễn, đổ lỗi cho Trung Quốc một cách vô lý và phát đi thông điệp sai lầm", Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo cho hay.
"Trung Quốc bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ và đã trao đổi nghiêm túc với phía Mỹ. Chúng tôi kêu gọi các nghị sĩ Mỹ tôn trọng thực tế và sửa chữa sai lầm của mình để tránh làm phức tạp tình hình trong khu vực", Reuters dẫn thông cáo của Trung Quốc viết.
Tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông cũng như đòi hỏi của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông, được cho là những nguy cơ an ninh lớn nhất ở châu Á.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng vừa thể hiện quyết tâm đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển trong cuộc họp Bộ Chính trị hôm 31/7. Ông Tập nói muốn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình thông qua đối thoại, nhưng sẽ không thỏa hiệp về chủ quyền và sẽ đẩy mạnh khả năng phòng thủ.
Căng thẳng trên biển Hoa Đông gia tăng từ tháng 9 năm ngoái, đặc biệt leo thang trong năm nay, khi Trung Quốc và Nhật Bản điều các máy bay chiến đấu và các tàu tuần tra đến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để đe dọa lẫn nhau, làm dấy lên lo ngại một bước đi sai lầm có thể dẫn đến cuộc đối đầu trực tiếp.
Các nước Đông Nam Á gồm Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam cũng phản đối tuyên bố và hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, khu vực có vị trí chiến lược và được cho là giàu tài nguyên thiên nhiên.
Vũ Hà