"Chính phủ Nhật Bản hôm 17/12 thông qua ba văn kiện là Chiến lược bảo vệ an toàn quốc gia, Đề cương kế hoạch phòng vệ và Kế hoạch xây dựng lực lượng phòng vệ trung hạn. Các văn kiện trên cổ súy quan điểm coi Trung Quốc là mối đe dọa, gây căng thẳng trong khu vực, vin vào cớ an ninh quốc gia để mở rộng quân đội. Trung Quốc kiên quyết phản đối hành động trên của Nhật Bản", Xinhua dẫn lời Đại tá Cảnh Nhạn Sinh, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Theo chiến lược mới, Tokyo quyết định tăng chi tiêu quốc phòng giai đoạn 2014-2019 lên mức 240 tỷ USD, tăng 5% so với ngân sách quân sự trong 5 năm qua. Khoản chi này sẽ dùng để mua hai tàu khu trục có hệ thống chống tên lửa Aegis, ba máy bay không người lái, 5 tàu ngầm, 17 trực thăng Osprey, 28 chiến đấu cơ F-35, một máy bay tàng hình và 52 xe đổ bộ, trong cuộc chuyển dịch chiến lược về phía nam và tây của Nhật.
Tuyên bố của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Tokyo - Bắc Kinh trở nên ngày càng căng thẳng do mâu thuẫn chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đặc biệt leo thang sau khi Trung Quốc hôm 23/11 đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo tranh chấp.
Chiến lược quân sự mới của Tokyo cũng nằm trong kế hoạch của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm bình thường hóa quân sự tại Nhật, nước theo chủ nghĩa hòa bình kể từ khi thất trận trong Thế chiến II. Lực lượng hiện đại và chuyên nghiệp của nước này hiện chỉ hạn chế trong vai trò tự vệ.
Đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng Nhật không nên mở rộng vai trò của lực lượng quân sự. "Chúng tôi hối thúc Nhật Bản rút ra bài học lịch sử sâu sắc, giữ vững lời hứa đi theo con đường phát triển hòa bình, có hành động thực tế nhằm cải thiện mối quan hệ với các nước láng giềng châu Á, phát huy vai trò xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực", ông Cảnh nói.
Cũng hôm qua, ông Masato Kitera, đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc, cho biết quan hệ song phương Nhật - Trung mang tính đa chiều và "không dễ dàng đổ vỡ", bất chấp những khúc mắc ngoại giao kéo dài.
Tuy nhiên, Đại sứ Kitera cũng chỉ trích vùng phòng không mới của Trung Quốc và cho rằng động thái này “dội một gáo nước lạnh vào những chuyển dịch tích cực” trong quan hệ hai nước.
Đức Dương