Theo Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 25/7 đã gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN đang được tổ chức tại Lào.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Vương đã nói với ông Kerry rằng Bắc Kinh cùng ASEAN đã nhất trí nên đưa tranh chấp Biển Đông trở lại "con đường đúng đắn", giải quyết "thông qua đàm phán trực tiếp".
Trung Quốc nói nước này hy vọng Mỹ sẽ có các bước đi thực tế để hỗ trợ nối lại đàm phán giữa Bắc Kinh và Manila sau phán quyết của Tòa Trọng tài. "Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ hỗ trợ Trung Quốc và ASEAN trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực", thông cáo viết.
Trước đó, Trung Quốc nhiều lần đổ lỗi cho Mỹ làm "gia tăng căng thẳng" ở Biển Đông và đứng về phía các quốc gia khác chống lại Bắc Kinh. Mỹ phủ nhận cáo buộc, tuyên bố không đứng về bên nào, kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có phán quyết của Tòa Trọng tài.
Phát biểu sau cuộc họp với các nước ASEAN, ông Vương Nghị cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài, trong đó bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò", là "kê đơn sai", ám chỉ phán quyết không giải quyết được vấn đề tranh chấp. Bản tin của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, kênh CCTV13 tối 25/7 thậm chí còn nói Mỹ "ủng hộ Trung Quốc" về lập trường không công nhận Tòa Trọng tài.
Trong khi đó, truyền thông quốc tế cho biết Mỹ, Nhật, Australia kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết "đường lưỡi bò".
Phát biểu với các phóng viên tại Vientiane, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết tranh chấp Biển Đông không phải là cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ, mà là giữa Trung Quốc và Philippines.
"Chúng tôi muốn theo đuổi mối quan hệ song phương theo cách giải quyết hòa bình tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Những nước khác không liên quan tới tranh chấp này", ông Yasay nói.
Việt Nam hoan nghênh Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông và khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Tòa Trọng tài tại The Hague, Hà Lan hôm 12/7 ra phán quyết khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn". "Đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương đưa ra đi ngược lại với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển, đồng thời không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc.
Xem thêm: Đề xuất cùng khai thác Biển Đông nhiều nghi vấn của Trung Quốc
Văn Việt