Theo Reuters, Điều 76 của dự thảo Luật chống khủng bố cho phép quân đội và công an Trung Quốc tiến hành các hoạt động chống khủng bố ở nước ngoài nếu được "các quốc gia liên quan" chấp thuận.
Điều này nằm trong dự thảo Luật chống khủng bố công bố hồi tháng 11/2014. Ủy ban quốc hội Trung Quốc đã đánh giá lần thứ hai, và có khả năng dự thảo này sẽ được thông qua trong vài tuần hoặc tháng tới.
Trung Quốc tuyên bố nước này đang phải đối mặt với cuộc đấu tranh chống khủng bố phức tạp. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong vòng hai năm qua ở Tân Cương, vùng tự trị bất ổn của Trung Quốc. Chính phủ đổ lỗi các vụ tấn công cho Đông Turkestan, một tổ chức người Hồi giáo muốn thành lập một nhà nước độc lập.
Trung Quốc có nhiều hoạt động kinh tế về xây dựng, năng lượng và khai khoáng ở nhiều nơi bất ổn trên thế giới, trong đó có Trung Đông và châu Phi. Năm 2011, nước này phải sơ tán hàng nghìn công nhân ở Libya trong cuộc nổi dậy lật đổ lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Vụ việc gây lo ngại trong giới chức Trung Quốc về năng lực bảo vệ công dân ở nước ngoài.
Một số công ty Trung Quốc ở nước ngoài cũng gây ra sự thù địch với dân địa phương vì nhiều vấn đề, trong đó có việc Trung Quốc nhập khẩu lao động trong nước vào nước bản địa và khai thác tài nguyên.
Trung Quốc từng đưa tàu vũ trang xuống sông Mekong để hợp tác với Thái Lan, Myanmar và Lào năm 2011 trong nỗ lực chống ma túy ở khu vực "Tam giác Vàng". Ngoài ra, hải quân Trung Quốc cũng tiến hành nhiều cuộc tuần tra chống cướp biển ở vùng Đông Bắc Phi.
Nhật báo quốc phòng Trung Quốc China National Defense Daily bình luận "trao quyền lực pháp lý cho quân đội" để tiến hành các hoạt động ở nước ngoài là điều kiện tiên quyết để đối phó với chủ nghĩa khủng bố.
Dự luật cũng báo hiệu sức ảnh hưởng mới dài hạn về an ninh của Trung Quốc lên những quốc gia cách xa biên giới Trung Quốc, Christopher Yung, một nhà nghiên cứu cấp cao của Đại học Quốc phòng Mỹ tại Washington nói.
Daveed Gartenstein-Ross, một nhà nghiên cứu chống khủng bố ở Washington đánh giá, dự luật đánh dấu sự thay đổi trong tư duy về chính sách đối ngoại và học thuyết quân sự của Trung Quốc.
Hồng Hạnh