Các tàu chiến được trang bị vũ khí hiện đại của hải quân Trung Quốc. Ảnh: CFP |
Đây được coi là lần đối đầu trực tiếp đầu tiên giữa hải quân hai nước tại vùng biển tranh chấp, nơi một số nhà phân tích cảnh báo có thể dẫn đến xung đột vũ trang.
"Ngày 30/1, một thiết bị giống như radar điều khiển hỏa lực đã hướng trực tiếp đến tàu hộ tống của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản ở vùng biển Hoa Đông. Bộ Quốc phòng hôm nay xác nhận radar theo dõi mục tiêu đã được sử dụng", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói với các phóng viên từ Tokyo.
Ông Onodera nói một chiếc trực thăng của quân đội Nhật Bản cũng từng bị nhắm làm mục tiêu bằng loại radar tương tự hôm 19/1, tuy nhiên ông không nói rõ máy bay trực thăng đang bay trên bầu trời hay đang đỗ ở trên tàu vào thời điểm đó.
Nhật Bản cho biết cả hai lần bị nhắm làm mục tiêu đều kéo dài trong vài phút.
"Việc hướng radar như vậy là không bình thường. Chúng tôi cho rằng việc này sẽ dẫn đến một tình huống nguy hiểm nếu có sai lầm nào xảy ra. Chúng tôi sẽ yêu cầu phía Trung Quốc kiềm chế những hành động nguy hiểm như trên", ông nói.
Động thái mới nhất lần này làm quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á càng trở nên căng thẳng vì những bất đồng vì tranh chấp chủ quyền tại quần đảo không người trên biển Hoa Đông.
Hisao Iwashima, cựu nhân viên Viện Nghiên cứu Quân sự Quốc gia Nhật Bản nói rằng Trung Quốc cần trả lời cho những việc mà hải quân của mình đã làm.
"Đây có thể là một cuộc thử nghiệm mà phía Nhật Bản không biết hoặc cũng có thể nó sẽ dẫn đến một vụ phóng. Phía Trung Quốc cần có trách nhiệm giải thích về việc vì sao họ lại thực hiện một hành động nguy hiểm như vậy", Iwashima nói với AFP.
Cũng trong ngày hôm nay, Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo để phản đối sự xuất hiện của tàu tuần tra Trung Quốc hôm qua tại vùng nước do Tokyo kiểm soát, gần quần đảo mà nước này gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Hai tàu tuần tra của Trung Quốc được cho là đã ở trong vùng nước xung quanh quần đảo trong vòng 14 giờ, dài nhất trong những lần xuất hiện tại đây.
Các tàu Trung Quốc liên tục đi vào vùng nước gần Senkaku/Điếu Ngư, mà theo các nhà quan sát là nhằm mục đích chứng minh Nhật Bản không thực sự kiểm soát các đảo. Hồi tháng 12, máy bay của Trung Quốc cũng bay vào vùng trời khu vực khiến Nhật Bản phải điều máy bay chiến đấu tới để bảo vệ.
Trung Quốc tuyên bố các tàu tuần tra hoạt động bình thường trong phạm vi lãnh thổ của mình và phản đối việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo. Trong khi đó, trong chuyến thăm đến Okinawa mới đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục có những phát biểu mạnh mẽ, quyết tâm bảo vệ Nhật Bản trước những "sự khiêu khích".
Chính phủ của ông cũng quyết định tăng mức chi tiêu quốc phòng lần đầu tiên sau một thập kỷ, trong đó có lượng lớn dành cho chuỗi đảo tranh chấp. Ngoài ra, Nhật Bản cũng thành lập một đơn vị đặc biệt với 10 tàu tuần tra lớn, hai tàu có bãi đáp trực thăng và 600 binh sĩ dành riêng cho quần đảo tranh chấp ở Hoa Đông.
Vũ Hà