TTXVN dẫn tin của tờ Hong Kong Commercial Daily trong đó trích lời một nguồn tin quân sự Trung Quốc nói rằng trong quá trình sửa chữa đã xuất hiện việc phải chờ linh kiện, khiến kế hoạch hạ thủy không như ban đầu.
Trước đó cũng tờ báo này loan tin con tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - được hoán cải từ tuần dương hạm Varyag của Ukraina - sẽ sớm thử nghiệm.
Con tàu được cho là Shi Lang của Trung Quốc tại cảng Đại Liên. Ảnh: US Navy. |
Trong tuần này, trên mạng xuất hiện một video clip về hàng không mẫu hạm dài 300 mét, được đổi tiên thành Shi Lang và đang ở Đại Liên, cho thấy có nhiều lính hải quân trên tàu.
Một số báo địa phương cho rằng đó có thể là các kỹ sư của hải quân đang nghiệm thu quá trình sửa chữa. Đó là dấu hiệu cho thấy tàu sắp hoàn thành.
Tuy nhiên một số nguồn tin tình báo Mỹ cho hay Trung Quốc chỉ có thể bắt đầu sử dụng tàu Shi Lang như một chiến hạm dành cho huấn luyện kể từ năm sau.
Clip: hải quân Trung Quốc trên tàu Shi Lang:
Tàu sân bay là một trong những công trình quan trọng và biểu tượng sức mạnh quân sự của mỗi quốc gia. Trung Quốc đã nuôi ước vọng sở hữu một tàu sân bay từ nhiều năm nay, và chỉ mới đây trong một cuộc phỏng vấn, giới chức cấp cao Trung Quốc mới chính thức thừa nhận nước này đang sở hữu chiếc Varyag. hàng loạt hình ảnh về con tàu này đã được tung lên mạng và báo chí quốc tế.
Trung Quốc mua tàu Varyag, tải trọng 67.500 tấn, của Ukraina năm 1998 với giá 20 triệu USD với dự định làm khách sạn nổi. Tuy nhiên sau đó mục tiêu thay đổi và Bắc Kinh cho sửa chữa con tàu này để trở thành hàng không mẫu hạm đầu tiên.
Theo tạp chí quân sự Jane’s Fighting Ships tàu Shi Lang, tên của một đô đốc thời Minh - Thanh từng chỉ huy đánh chiếm đảo Đài Loan thế kỷ 17, có khả năng chứa tối đa 50 chiếc máy bay phản lực và 18 trực thăng.
Thực chất chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc lai tuần dương hạm, không thể so sánh với các tàu sân bay tiêu chuẩn của Mỹ hay châu Âu hiện nay. Chiến hạm này khi mua chỉ có khung sườn nên đã được Trung Quốc nội địa hoá đáng kể, phức tạp nhất là bộ phận động cơ của tàu.
Khi hạ thuỷ Shi Lang, Trung Quốc sẽ thành quốc gia Đông Bắc Á đầu tiên có tàu sân bay kể từ Thế chiến II. Tuy nhiên sự kiện này được đánh giá là mang ý nghĩa chính trị hơn là quân sự. Giới quân sự cho rằng tàu sân bay đầu tiên của Bắc Kinh sẽ không gây ra mối đe doạ nào đối với cường quốc Thái Bình dương như Mỹ, nhưng sẽ khiến các nước trong khu vực nâng cao nhận thức về một biểu tượng mới trong sự mở rộng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Mai Trang