Theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua, đường băng có độ dài 2.000 m và sử dụng cho mục đích quân sự. Hãng này cũng cho biết Trung Quốc đã tổ chức một đơn vị đồn trú quân sự và bắt đầu thiết lập một hệ thống tuần tra tại cái gọi là "thành phố Tam Sa" trong năm nay, mở rộng cơ sở hạ tầng, xây dựng trường học và đẩy mạnh du lịch tại khu vực.
"Thành phố Tam Sa" là tên gọi của đơn vị hành chính mà Trung Quốc lập ra một cách phi pháp cách đây hai năm để quản lý các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cuối tháng trước, truyền thông Trung Quốc cũng công khai hình ảnh tàu du lịch nước này chở du khách ra Hoàng Sa của Việt Nam. Người Trung Quốc ở trên đảo cho biết họ được chính phủ trả tiền để sinh sống ở đó.
Song song với các vi phạm ở Hoàng Sa, Trung Quốc được cho là đang ráo riết xây dựng các công trình ở Trường Sa, biến các bãi đá ngầm thành đảo nổi nhằm phục vụ cho đòi hỏi chủ quyền phi lý của họ trên quần đảo.
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm và giữ từ năm 1974. Việt Nam nhiều lần khẳng định sự chiếm đóng bằng vũ lực của Bắc Kinh với quần đảo Hoàng Sa là vô giá trị; các việc làm của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa là sự vi phạm chủ quyền, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn.
Phương Vũ