Trước đó, các thông tin trên báo chí cho hay Tòa án quốc gia Tây Ban Nha, căn cứ đơn của một người Tây Tạng có quốc tịch Tây Ban Nha, đã ra lệnh bắt ông Giang Trạch Dân, cựu tổng bí thư và chủ tịch nước Trung Quốc, với cáo buộc phạm tội đối với người Tây Tạng vào thập niên 80 và 90.
Nếu như thông tin này là xác thực, ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, "Trung Quốc vô cùng bất bình và chính thức phản đối các cơ quan hữu quan tại Tây Ban Nha".
"Hy vọng các nhà chức trách Tây Ban Nha sẽ không làm điều gì tổn hại đến Trung Quốc, cũng như quan hệ Trung Quốc - Tây Ban Nha", AFP dẫn lời ông Hồng nói hôm qua.
Ông Hồng Lỗi cũng lên tiếng chỉ trích các phần tử ly khai Tây Tạng tung tin đồn vu khống và đưa ra các cáo buộc sai trái chống lại Trung Quốc. "Những hành vi này chắc chắn sẽ thất bại. Lập trường của Trung Quốc trên vấn đề Tây Tạng là rõ ràng và nhất quán", ông Hồng cho biết.
Hôm thứ ba, ông Zhu Weiqun, chủ tịch ủy ban dân tộc và tôn giáo của cơ quan tư vấn cho chính phủ Trung Quốc, bình luận rằng vụ kiện này là vớ vẩn. "Nếu tòa án của nước nào đó xem xét đơn kiện này, họ sẽ chỉ mang lại xấu hổ cho bản thân mà thôi", Reuters dẫn lời ông Zhu đăng trên báo chí Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha được trích dẫn cho biết Madrid không đưa ra bình luận gì, bởi việc tòa án phát lệnh trên là việc thuần túy tư pháp.
Tòa án Tây Ban Nha thụ lý vụ kiện bởi một trong những nguyên cáo là ông Thubten Wangchen, một người Tây Tạng lưu vong có quốc tịch Tây Ban Nha. Luật pháp nước này cho phép khởi tố những tổ chức và cá nhân nước ngoài phạm bị nghi ngờ vi phạm nhân quyền nếu nạn nhân là người Tây Ban Nha.
Văn Húc