Đảo Phú Lâm và đảo Quang Hòa đều đã được mở rộng đáng kể nhờ hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc trong thời gian gần đây, The Diplomat nhận định dựa trên hình ảnh do vệ tinh của công ty DigitalGlobe chụp khu vực này từ một tháng trước. Cả hai đảo trên đều thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo đó, hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao chụp hôm 17/3 cho thấy trên đảo Phú Lâm có đường băng cùng các cơ sở của sân bay. Trong vòng 5 tháng trước, một đường băng dài 2.400 m đã bị thay thế hoàn toàn bằng một đường băng mới bằng bê tông dài 2.920 m, một đường lăn mới, khu hậu cần cho máy bay được mở rộng và các tòa nhà lớn sát nhau đang được xây dựng.
Các hoạt động cải tạo đất trên đảo Phú Lâm, bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 1956, cũng đang diễn ra.
Hình ảnh vệ tinh còn cho thấy diện tích đảo Quang Hòa, cách đảo Phú Lâm 80 km về phía tây nam, cũng đã tăng thêm 50% so với hồi tháng 4/2014. Đảo Quang Hòa bị Trung Quốc chiếm vào năm 1974. Trên đảo có một doanh trại quân đội, 4 radar mái vòm, một cơ sở sản xuất bê tông và một cảng biển được mở rộng bằng hoạt động nạo vét và cắt phá san hô.
Ngoài ra, một đê chắn biển tăng cường đang được xây dựng quanh khu đất mới cải tạo. Các tòa nhà mới còn xuất hiện trên đảo Duy Mộng, cũng bị Trung Quốc chiếm, ở gần đó.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 90% diện tích Biển Đông, chồng lấn lên các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh tăng cường bê tông hóa các đảo nhằm mở rộng quyền kiểm soát khu vực này, bất chấp sự phản đối từ các nước láng giềng.
Hình ảnh vệ tinh do Philippines cùng một số bên khác công bố còn cho thấy quá trình xây dựng nhanh chóng trên 7 đảo Trung Quốc chiếm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hồi đầu tháng công khai tuyên bố Bắc Kinh sẽ sử dụng các đảo nhân tạo cho "phòng thủ quân sự" cùng nhiều mục đích dân sự.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua ngang nhiên nói "quần đảo Hoàng Sa là một phần vốn có của Trung Quốc" khi được hỏi về hoạt động cải tạo đất tại đây. Giới chức Trung Quốc thường phớt lờ phản đối về quá trình xây đảo trên thực địa bằng cách nói thiếu căn cứ trên.
Việt Nam đã nhiều lần phản đối việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý cùng bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hành động của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) đã được Trung Quốc ký kết với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002.
Như Tâm