Theo Sputnik, chiến lược hạt nhân trước đây của Trung Quốc là dựa vào sự kiên nhẫn, bình tĩnh, trả đũa dài hạn thay vì trả đũa ngay lập tức.
Nhưng dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đang thay đổi chính sách này. Các nhà lãnh đạo quân đội Trung Quốc theo đuổi cách phản ứng mới, đặt kho vũ khí hạt nhân quốc gia luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, lập tức khai hỏa khi có thông báo bị tấn công.
Sự thay đổi này được hình thành từ cuối năm 2013, khi một nhóm 35 học giả quân sự Trung Quốc công bố báo cáo Khoa học Chiến lược Quân sự, đánh giá về sức mạnh lực lượng hạt nhân và chính sách hạt nhân của nước này, đồng thời phân tích tác động của chính sách hạt nhân Mỹ đối với Trung Quốc.
"Khi đã chuẩn bị sẵn sàng, vào lúc cần thiết, chúng tôi sẽ nhanh chóng phát động cuộc tấn công bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân khi tên lửa của kẻ địch còn đang trên đường nhằm vào Trung Quốc. Nghĩa là chúng tôi sẽ phóng tên lửa trước khi tên lửa của đối phương bay tới mục tiêu, phát nổ, gây ra thiệt hại", bản báo cáo nhấn mạnh.
Trước đó, tư lệnh lực lượng tên lửa hạt nhân mặt đất của Trung Quốc cũng hối thúc các binh sĩ "duy trì mức độ báo động cao, đảm bảo sẵn sàng hành động khi có biến cố xảy ra", theo Defense One.
Bằng cách giữ kho vũ khí hạt nhân luôn trong trạng thái sẵn sàng khai hỏa, Bắc Kinh hy vọng rằng Washington sẽ phải chùn bước khi muốn phát động tấn công hạt nhân.
Tên lửa hạt nhân Trung Quốc có thể đang bay trên không vào lúc tên lửa Mỹ trên đường bay qua Thái Bình Dương, loại trừ khả năng cuộc tấn công của Mỹ xóa sổ kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc trước khi Bắc Kinh có cơ hội trả đũa.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng gặp phải sự phản đối. Những người chỉ trích cho rằng nó có thể gây ra một vụ phóng tên lửa do nhầm lẫn. Phe ủng hộ phản bác rằng Mỹ đang giữ 450 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân trong trạng thái báo động cao.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Mỹ lo ngại trong năm nay Trung Quốc sẽ triển khai tên lửa DF-41 với khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân, tầm bắn có thể vươn tới bất kỳ khu vực nào ở Mỹ.
Không giống những loại tên lửa đạn đạo trước đó, DF-41 có thể được bắn từ bệ phóng di động. Với tầm bắn hơn 14.000 km, DF-41 có thể vươn tới bất cứ đâu trên đất Mỹ.
Văn Việt