Sydney Morning Herald dẫn lời các quan chức quân sự Australia cho hay Trung Quốc có thể đã chuyển radar tầm xa và súng phòng không đến các đảo để tăng cường sức mạnh quân sự ở một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất của Australia.
Động thái của Trung Quốc trên Biển Đông cũng khiến giới quân sự cấp cao của Australia phải bàn bạc về khả năng tiến hành các sứ mệnh "tự do hàng hải", thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Các sứ mệnh này có thể là điều tàu, máy bay tới khu vực hoặc tập trận cùng các đối tác khu vực.
Phát biểu tại một diễn đàn tối qua, Thư ký Bộ Quốc phòng Australia Dennis Richardson nói rằng dự án bồi đắp của Trung Quốc sẽ là mối quan ngại đáng kể nếu chúng mang mục đích quân sự.
"Việc tìm hiểu về mục đích cải tạo đất là chính đáng, mục đích du lịch dường như là không thể", ông nói. "Với quy mô và sự hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc, việc nước này cải tạo đất nhằm mục đích quân sự sẽ là một mối quan ngại đặc biệt".
Hôm 26/5, quân đội Trung Quốc ngang nhiên so sánh việc bồi đắp và xây dựng trên các đá ở Biển Đông với những công trình xây dựng bình thường như xây đường ở những nơi khác tại nước này.
Tuy nhiên, đồng thời, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng công bố một báo cáo tái khẳng định cách tiếp cận cứng rắn hơn trong vấn đề quốc phòng khiến các nước láng giềng phải cảnh giác.
Báo cáo chiến lược này nói rằng sẽ bổ sung việc "bảo vệ các vùng biển lớn" vào nhiệm vụ "phòng thủ ngoài khơi" truyền thống của hải quân, tăng cường khả năng phản công và tiến hành các hoạt động chung trên biển.
Trong khi đó, lực lượng hải quân sẽ "nỗ lực chuyển trọng tâm từ bảo vệ không phận sang cả phòng thủ lẫn tấn công".
Trong một bài phỏng vấn, ông Âu Dương Ngọc Tĩnh, tổng cục trưởng Cục Các vấn đề Biên giới và Đại dương, thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, công khai thừa nhận nhiều cơ sở hạ tầng, trong đó có đường băng, bến cảng, hệ thống viễn thông, mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Dù nói rằng chúng "chủ yếu được dùng vào mục đích dân sự", ông này vẫn ngang nhiên cho hay Trung Quốc có quyền triển khai các cơ sở cần thiết ở các đảo và rạn san hô nhằm mục đích phòng vệ quân sự".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, nơi có lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua mỗi năm. Từ tháng 3/2014, Bắc Kinh ồ ạt cải tạo đất tại 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc đánh chiếm.
Những hình ảnh được một máy bay trinh sát Mỹ ghi lại gần đây cho thấy nhiều công trình đang được xây dựng, trong đó có một đường băng đủ dài để mọi loại phi cơ cất và hạ cánh.
Anh Ngọc