Theo Sputnik, video của Trung Quốc sẽ được phát sóng 120 lần một ngày cho đến ngày 3/8, trên màn hình cao 19 m, rộng 12 m. Đây là bảng quảng cáo chuyên hiển thị hình ảnh của Trung Quốc kể từ năm 2011. Video ước tính tiếp cận khoảng 500.000 người qua lại mỗi ngày.
Video dài 3 phút 12 giây, có sự xuất hiện của một số chuyên gia và quan chức quốc tế ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong video, Wu Shicun, chủ tịch của Viện Quốc gia Trung Quốc về Nghiên cứu Biển Đông, ngang nhiên nói rằng Bắc Kinh có chủ quyền ở quần đảo Trường Sa và có cơ sở lịch sử và pháp lý để chứng minh.
Cựu giám đốc Chính sách Kinh tế và Kinh doanh của London John Ross nói rằng cơ chế giải quyết tranh chấp của tòa trọng tài nên được sử dụng giữa hai bên muốn tham gia. Catherine West, nghị sĩ đảng Lao động Anh, và Masood Khalid, đại sứ Pakistan tại Trung Quốc, được dẫn nói rằng "cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp là đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp".
Video này còn nhắc đến "cách tiếp cận kép", tức là các tranh chấp phải được giải quyết thông qua bàn bạc và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia liên quan trực tiếp.
Một số đơn vị truyền thông đã phản ứng trước video này. Trang BuzzFeed nói rằng "video vô cùng nhàm chán" và "lãng phí 3 phút 12 giây cuộc đời". Trang Shanghaiist gọi video này là "công cụ tuyên truyền mới nhất" của Trung Quốc. Họ ước tính chi phí phát sóng video có thể dao động từ 300.000 USD đến 400.000 USD một tháng.
Trung Quốc tiến hành động thái trên hai tuần sau khi Tòa Trọng tài tại The Hague, Hà Lan hôm 12/7 ra phán quyết cho vụ kiện của Philippines, khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà nước này đơn phương vạch ra, bao trùm gần hết diện tích Biển Đông.
Việt Nam hoan nghênh Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò". Đồng thời, Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Xem thêm: Cơ quan lôi kéo dư luận của Trung Quốc trên đất Mỹ
Giữa bão Biển Đông, Mỹ tiếp cận lặng lẽ với Trung Quốc
Phương Vũ