"Chúng tôi kêu gọi cần tăng cường hơn nữa các quy trình quản lý tranh chấp để cải thiện năng lực đối phó với khủng hoảng. Các tranh chấp có thể được giải quyết thông qua đàm phán với việc tôn trọng đầy đủ các chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế", Reuters dẫn lời ông Thường nói trong diễn đàn an ninh Xiangshan tại Bắc Kinh hôm nay.
Ông Thường cho biết thêm Bắc Kinh đang thúc đẩy khả năng lập đường dây nóng quốc phòng với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Bắc Kinh hiện nêu yêu sách bao trùm gần hết Biển Đông, nơi bốn nước thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có chủ quyền. Gần đây Bắc Kinh liên tiếp triển khai các hoạt động đơn phương ở Biển Đông, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002.
Phát biểu của ông Thường được hãng tin AP đánh giá là mang tính hòa giải trong bối cảnh Bắc Kinh bị các nước và nhiều tổ chức giám sát cáo buộc đẩy mạnh hoạt động xây dựng trên các đá ở Trường Sa, trong ý định biến các yêu sách vô lý của Trung Quốc thành hiện thực.
Theo Kyodo, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc còn thúc giục các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có cơ chế tham vấn quân sự để ngăn chặn căng thẳng leo thang. "Quân đội Trung Quốc sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp thích hợp trong hợp tác với các nước và chia sẻ thông tin kịp thời", ông Thường nói. Diễn đàn an ninh Xiangshan có sự tham gia của đại diện 50 nước ở châu Á.
Trên Hoa Đông, Trung Quốc tranh chấp với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bắc Kinh cũng có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ ở khu vực biên giới trên đất liền.
Tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông bị nhiều nước lên tiếng chỉ trích. Hôm qua Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ phê chuẩn một nghị quyết lên án mọi hành động đe dọa hoặc sử dụng vũ lực ở hai vùng biển nói trên, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho hai khu vực này.
Khánh Lynh