Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói nước này "có quyền và có trách nhiệm điều hòa những việc có liên quan đến các đảo và bãi cạn cũng như các nguồn tài nguyên" theo luật pháp quốc gia và quốc tế.
"Trong hơn 30 năm, các luật và quy định về đánh cá của Trung Quốc được thi hành một cách bình thường và chưa từng gây ra căng thẳng nào", bà Hoa phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ.
Quy định do tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc, ban hành trong đó yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải xin giấy phép mới được thăm dò hoặc đánh bắt cá tại hai phần ba Biển Đông. Quy định mới này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1 và các tàu vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 500.000 nhân dân tệ (82.600 USD). Trong một số trường hợp, tàu đánh cá có thể bị tịch thu và thủy thủ đoàn bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.
Washington khẳng định quy định này là khiêu khích và làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
"Việc thông qua các quy định hạn chế hoạt động đánh bắt cá của các nước khác trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông là hành động khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm. Trung Quốc không đưa ra được bất kỳ lời giải thích hay cơ sở luật pháp quốc tế nào cho tuyên bố hàng hải trên phạm vi rộng lớn trên", Jen Psaki, người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ, phát biểu hôm 8/1.
Bà Psaki cũng khẳng định lập trường nhất quán của Washington trên vấn đề Biển Đông là "các bên liên quan cần tránh có những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng và làm giảm triển vọng về một giải pháp ngoại giao hòa bình".
Việt Nam hôm qua cũng phản đối mạnh mẽ quy định mới của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định những yêu sách đơn phương mà Trung Quốc áp đặt tại Biển Đông là bất hợp pháp và vô giá trị.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez gọi đây là hành động vi phạm quyền đánh cá của các nước ở vùng biển sâu và làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Nhiều nhà phân tích nhận định, động thái mới này của Trung Quốc sẽ khiến tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn. "Bắc Kinh đang vượt ra khỏi quy chế pháp lý mơ hồ trước đây về 'đường chín đoạn', để ban bố một biện pháp cấp tỉnh nhằm thăm dò phản ứng của các nước khác", ông John Tkacik, cựu chuyên gia Trung Quốc của bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định. "Với quy định trên, Trung Quốc rõ ràng đang xem thường công ước của Liên Hợp Quốc".
Quy định mới của Trung Quốc ra đời không lâu sau khi nước này đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông hôm 23/11/2013. Vùng này bao trùm quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Động thái này của Bắc Kinh vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Washington, Tokyo và Seoul.
Vũ Hà