Các nguồn tin có liên hệ mật thiết với Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang chuẩn bị một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, SCMP hôm nay đưa tin.
Một nguồn tin nói thời gian lập ADIZ phụ thuộc vào điều kiện an ninh trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Mỹ và quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng.
"Nếu quân đội Mỹ tiếp tục có hành động khiêu khích nhằm thách thức Trung Quốc ở khu vực thì đây chính là cơ hội tốt để Bắc Kinh tuyên bố lập ADIZ" trên Biển Đông, theo nguồn tin trên.
Một báo cáo từ Kanwa Defence Review, trụ sở Canada, cho rằng Bắc Kinh đã xác định khu vực lập ADIZ và thời gian thông báo chính thức là một quyết định chính trị.
ADIZ mới của Trung Quốc được cho là sẽ dựa vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) quanh đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và 7 đảo nhân tạo, bị Trung Quốc cải tạo phi pháp từ 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hoặc phạm vi 200 hải lý từ đường cơ sở của những thực thể này.
"ADIZ mới của Trung Quốc sẽ chồng lấn lên EEZ của Việt Nam, Philippines và Malaysia", Andrei Chang, tổng biên tập Kanwa, nhận định.
Thông tin trên xuất hiện ngay trước thềm diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương Đối thoại Shangri-la lần thứ 15, diễn ra tại Singapore từ ngày 3 đến 5/6. Shangri-la năm nay có hơn 30 quốc gia cử phái đoàn tham dự, trong đó có ít nhất 20 bộ trưởng quốc phòng. Vấn đề Biển Đông dự kiến là chủ đề chính và làm "nóng" sự kiện này.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc biện hộ lập ADIZ là "quyền của một quốc gia có chủ quyền". "Về thời điểm thiết lập một vùng như vậy, nó còn phụ thuộc liệu Trung Quốc có đang phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh từ trên không hay không và mức độ đe dọa an toàn trên không thế nào".
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work hồi tháng 3 nhấn mạnh Mỹ không công nhận một vùng cấm như vậy trên Biển Đông như từng không công nhận vùng cấm trên Hoa Đông, theo Reuters.
Ni Lexiong, nhà bình luận quân sự ở Thượng Hải, nói 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa tạo nền tảng để Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông. Trong khi đó, Li Jie, chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh, cho rằng căng thẳng khu vực sẽ giảm bớt sau khi ông Rodrigo Duterte trở thành tổng thống Philippines.
Ông Duterte là người chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Philippines ngày 9/5. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 30/5 đã gửi lời chúc mừng ông Duterte và bày tỏ hy vọng "hai phía có thể cùng hành động để đưa quan hệ song phương trở lại hướng đi vững mạnh".
Trung Quốc từng thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông vào tháng 11/2013, bao trùm lên cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có tranh chấp với Nhật Bản. Động thái này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trung Quốc còn đòi chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Căng thẳng trong khu vực tăng cao kể từ khi Bắc Kinh tiến hành hoạt động cải tạo đất phi pháp quy mô lớn trên các đảo và đá trong khu vực, bất chấp sự phản đối từ khu vực và quốc tế.
Như Tâm