
Tàu Trung Quốc nạo hút cát ở Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters
Trong cuộc phỏng vấn với People's Daily, ông Ding Yihui thuộc Viện Kỹ thuật Trung Quốc, và ông Zheng Guoguang, giám đốc Cục Khí tượng Trung Quốc, viện cớ rằng việc cải thiện chất lượng dự báo thời tiết "sẽ có lợi cho khu vực Biển Đông", nơi "thường xuyên hứng chịu thiên tai liên quan đến biển và thời tiết khắc nghiệt".
"Việc xây dựng cơ sở hạ tầng để giám sát và liên lạc là bước đầu tiên hướng tới tăng cường và củng cố việc theo dõi, cảnh báo, dự báo, dự đoán khí tượng hàng hải và nghiên cứu khoa học", ông Ding biện bạch.
Trong khi đó, ông Zheng rêu rao thêm rằng việc dự báo tốt là "trách nhiệm của Trung Quốc đối với khu vực, nhằm hỗ trợ đối phó với các thiên tai và tăng cường an toàn cho các tàu cá cũng như những phương tiện hàng hải khác".
Năm ngoái, Trung Quốc gây lo ngại cho các nước láng giềng khi bắt đầu đẩy mạnh việc cải tạo đất trên hàng loạt bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà nước này chiếm đóng trái phép. Các bên liên quan và Mỹ liên tục yêu cầu Trung Quốc ngừng hoạt động đơn phương này.
Benjamin Herscovitch, một chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Độc lập ở Australia, nhận định tham vọng khí tượng của Bắc Kinh chỉ là một phần trong chiến lược đa diện nhằm áp đặt chủ quyền ở các vùng biển tranh chấp.
Ông nói Bắc Kinh không chỉ cải tạo đất, xây dựng đường băng và điều động tàu hải quân mà còn tìm cách củng cố chủ quyền của mình bằng việc mở rộng hiện diện dân sự.
"Bằng cách thành lập các cơ sở khí tượng, vai trò quản lý của Trung Quốc càng gia tăng và tuyên bố chủ quyền trên thực tế của Trung Quốc trở nên hợp lý hơn", SCMP dẫn lời ông Herscovitch nói.
Bài phỏng vấn của hai nhà khí tượng Trung Quốc diễn ra hai ngày trước khi Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung diễn ra ở Washington.
Ông Herscovitch cho rằng trong cuộc đối thoại, có khả năng Mỹ sẽ phản đối mạnh mẽ các bước tiến của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông nói rằng Bắc Kinh xem việc giành quyền kiểm soát tuyến đường biển này là "một lợi ích cốt lõi" và sự chênh lệch về quân sự ngày càng tăng giữa Trung Quốc với các láng giềng Đông Nam Á tạo điều kiện cho nước này thực hiện mưu đồ độc chiếm phần lớn Biển Đông.
Anh Ngọc