Trước đó, Ủy ban Thường vụ Nhân dân tỉnh Hải Nam, Trung Quốc thông qua "Dự thảo sửa đổi Biện pháp thực hiện Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của tỉnh Hải Nam" và có hiệu lực từ 1/1/2014. Theo đó, các tàu cá nước ngoài phải xin giấy phép mới được thăm dò hoặc đánh bắt cá tại hai phần ba Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa nước này và một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Theo quy định của phía Trung Quốc, các tàu cá nước ngoài tự ý đi vào vùng nước trên Biển Đông mà họ tuyên bố do tỉnh Hải Nam quản lý để thực hiện sản xuất ngư nghiệp và các hoạt động điều tra tài nguyên nghề cá sẽ bị xua đuổi, có thể bị tịch thu tài sản, xử phạt hành chính… Trong một số trường hợp, thủy thủ đoàn các tàu cá có thể bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.
Ngày 24/12/2013, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng ra thông báo về thời gian nghỉ đánh bắt cá bằng lưới tại một số khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Phía Trung Quốc mới đây còn cho ra mắt trang mạng và tờ báo giấy đầu tiên của cái gọi là "Thành phố Tam Sa"; nâng cấp cải tạo trạm khí tượng tự động ở một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam…
Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước những hoạt động trên của phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị hôm nay nêu rõ: "Những hoạt động của phía Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), không phù hợp với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông".
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực", phát ngôn viên ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng trong ngày 10/1, Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố: "Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng làm rõ về bộ luật đánh cá mới mà Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Nam mới ban hành. Chúng tôi đặc biệt quan ngại về quy định mới trong đó đòi hỏi các tàu cá nước ngoài phải được sự cho phép của nhà chức trách Trung Quốc trước khi đánh bắt cá hoặc tiến hành khảo sát trong một phần diện tích lớn trên Biển Đông".
"Luật mới này, theo sau tuyên bố của Trung Quốc về đường 9 đoạn, là vi phạm luật quốc tế. Hành động này làm leo thang căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực", thông báo chính thức của Philippines viết thêm.
Trước đó hôm 9/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, cũng cho rằng: "Việc thông qua các quy định hạn chế hoạt động đánh bắt cá của các nước khác trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông là hành động khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm. Trung Quốc không đưa ra được bất kỳ lời giải thích hay cơ sở luật pháp quốc tế nào cho tuyên bố hàng hải trên phạm vi rộng lớn trên".
Nhiều nhà phân tích nhận định, động thái mới của Trung Quốc sẽ khiến tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn. "Bắc Kinh đang vượt ra khỏi quy chế pháp lý mơ hồ trước đây về 'đường chín đoạn', để ban bố một biện pháp cấp tỉnh nhằm thăm dò phản ứng của các nước khác", ông John Tkacik, cựu chuyên gia Trung Quốc của bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định. "Với quy định trên, Trung Quốc rõ ràng đang xem thường công ước của Liên Hợp Quốc".
Nhật Nam