Công nhân Triều Tiên từ nay sẽ đưởng hưởng lương theo năng suất lao động, thay vì một mức thù lao cố định do nhà nước ban hành như trước đây. Ảnh: Guardian |
Chính sách mới này, theo một chuyên gia ở Bình Nhưỡng, sẽ giúp Triều Tiên thúc đẩy nền kinh tế bằng cách gia tăng nguồn thu nhập cho người lao động.
"Sau khi hoàn trả vốn đầu tư cho chính phủ, các doanh nghiệp có thể tự quyết định mức lương cho công nhân, dựa theo khả năng làm việc của họ", giáo sư Ri Ki-song, người đang làm việc tại Viện Kinh tế, Học viện Khoa học Xã hội Triều Tiên, nói.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải dành một phần lợi nhuận của họ để tái đầu tư, thúc đẩy sản xuất, phản triển công nghệ và tăng cường các hoạt động văn hóa, AP dẫn lời ông Ri.
Cho tới gần đây, Bình Nhưỡng vẫn nắm quyền kiểm soát quỹ lương của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Ri cũng khẳng định, quyết định thay đổi cơ chế trả lương của chính quyền Kim Jong-un không phải là một dấu hiệu cho thấy nước này đang dần chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.
"Việc này không hề liên quan tới cải cách và mở cửa", Ri nhấn mạnh.
Cũng theo ông Ri, chính sách mới về tiền lương đã chính thức được đưa vào hoạt động sau một thời gian thử nghiệm.
"Trước đây, chính phủ chỉ thông qua một mức lương chuẩn. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn không thể trả nhiều hơn giới hạn đã định", ông nói.
Hiện tại, các doanh nghiệp đã có quyền được đưa ra một mức lương mới cho người lao động. "Người giỏi sẽ được nhận lương cao", Ri cho biết.
Trước đó, trong một tuyên bố hồi tháng một, người đứng đầu Triều Tiên, Kim Jong-un, cho hay, nhiệm vụ quan trọng nhất của đất nước là "xây dựng một người khổng lồ về kinh tế", đồng thời kêu gọi cả đất nước chung tay "tăng năng suất lao động, góp phần ổn định và cải thiện mức sống của người dân".
Quỳnh Hoa