AFP dẫn báo cáo cho hay, một quả tên lửa đất đối đất mang theo khí độc Sarin đã được bắn vào Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, nơi khu vực phe đối lập đang chiếm giữ.
"Các mẫu kiểm tra môi trường, hóa học và y tế mà chúng tôi thu thập được cung cấp bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng một tên lửa đất đối đất mang theo chất độc thần kinh Sarin đã được sử dụng ở Ghouta", bản báo cáo của thanh sát viên Liên Họp Quốc cho biết.
Các chuyên gia kết luận "vũ khí hóa học đã được sử dụng trong các cuộc xung đột giữa các bên trong Syria, chống lại cả thường dân và trẻ em trên quy mô tương đối lớn".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết bản báo cáo của các chuyên gia khiến ông "ớn lạnh khi đọc". Ông lên án hành động sử dụng vũ khí hóa học ở Syria là một "tội ác chiến tranh"
Ông Ban mô tả lại cách các bác sĩ đã nỗ lực cứu người dân trên đường phố Ghouta trong nhiều giờ sau vụ tấn công, dù không ai có bất cứ vết thương bên ngoài nào.
Tuy nhiên, tổng thư ký LHQ chưa cho biết ai là kẻ đứng sau cuộc tấn công hóa học. "Tất cả chúng ta có những suy nghĩ riêng về điều này nhưng tôi chỉ nói đơn giản rằng, đó là một tội ác nghiêm trọng và những kẻ liên quan phải được đưa ra công lý càng sớm càng tốt", ông Ban nói với các phóng viên
Mỹ, Anh và Pháp đều nhấn mạnh rằng bản báo cáo cho thấy lực lượng chính phủ của tổng thống Syria al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học. Bà Samantha Power, đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc, cho rằng tên lửa 122 ly và lượng khí độc sarin nồng độ cao được sử dụng trong cuộc tấn công chỉ riêng chính phủ Assad mới có thể tiến hành. Ngoại trưởng pháp Laurent Fabius cũng cho biết không còn nghi ngờ gì khi đỗ lỗi cho chính quyền Assad.
Vitaly Churkin, đặc phái viên của Nga tại Liên Hợp Quốc đề nghị điều tra thêm về việc ai phải chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công ở Syria sau một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Moscow đứng về phía chính phủ Assad, đổ lỗi cho lực lượng quân nổi dậy đã thực hiện các cuộc tấn công hóa học.
Báo cáo của các thanh sát viên Liên Hợp Quốc sẽ là cơ sở để Hội đồng Bảo an quyết định mức độ đe dọa quân sự, nhằm buộc chế độ Assad tiến hành giải trừ vũ khí hóa học.
Pháp và Anh sẽ sớm gửi một dự thảo nghị quyết cho các thành viên Hội đồng Bảo an đề nghị tiến hành tấn công trừng phạt nếu ông Assad không tuân theo thỏa thuận giải trừ. Hội đồng dự kiến sẽ tiến hành các cuộc đàm phán trong tuần này.
Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Mỹ đều kêu gọi có biện pháp giải quyết "mạnh mẽ" sau một cuộc họp ở Paris, để thảo luận về hành động chung sau khi báo cáo của các thanh sát viên Liên Hợp Quốc được công bố. "Nếu Assad thất bại trong việc thực hiện thỏa thuận đã cam kết thì chúng ta, trong đó có cả Nga, đều đồng ý phải có sự trừng phạt", Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói.
Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã nhất trí một kế hoạch loại bỏ vũ khí hóa học ở Syria vào hôm 14/9. Theo thỏa thuận này, Syria sẽ không được phép lưu giữ vũ khí hóa học từ giữa năm 2014.
Nga cho rằng kế hoạch phải được hỗ trợ bằng một nghị quyết của Hội đồng Bảo an và bác bỏ bất kỳ hành động đe dọa quân sự nào. Ngoại trưởng Lavrov cho biết sự đe dọa về quân sự có thể giết chết hy vọng của một hội nghị hòa bình để giải quyết cuộc nội chiến kéo dài 30 tháng làm hơn 110.000 người thiệt mạng ở Syria.
Nguyễn Tâm