Cuộc biểu tình chống chính phủ là "chủ nghĩa cực đoan, kích động hằn thù với âm mưu đấu tranh chính trị đằng sau", AFP dẫn lời ông Yanukovych. Ông cũng so sánh phần tử cực đoan với Đức quốc xã và kêu gọi "một cộng đồng dân lành không tồn tại chủ nghĩa phát xít, phân biệt chủng tộc và bài ngoại, những điều nhắc nhở về bài học lịch sử khủng khiếp".
Việc Tổng thống Yanukovych cáo ốm được cho là nhằm tạo ra một "giai đoạn tạm nghỉ", để tìm giải pháp góp phần giải quyết cuộc khủng hoàng chính trị hiện nay tại Ukraine.
Trong thời gian dưỡng bệnh, ông cũng phê chuẩn việc bãi bỏ luật chống biểu tình và luật ân xá cho những người biểu tình bị bắt giữ, với điều kiện phe đối lập phải rút khỏi các trụ sở chính phủ mà họ chiếm đóng, sẵn sàng đàm phán về cải cách Hiến pháp cũng như bầu cử và kiện toàn ủy ban bầu cử.
Nhưng phe đối lập không chấp nhận và tiếp tục tập trung biểu tình tại trung tâm thủ đô Kiev. Hôm 2/2, khoảng 50.000 tụ tập biểu tình, với sự tham dự của các lãnh đạo phe đối lập Arseniy Yatsenyuk và Vitali Klitschko, một ngày sau khi họ nhận được cam kết hỗ trợ của các quan chức phương Tây, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Theo dự kiến, phe đối lập hôm nay sẽ trình yêu cầu lên Quốc hội Ukraine, với nội dung đòi trả tự do cho những người bị bắt giữ và hạn chế quyền lực của tổng thống.
Làn sóng biểu tình chống chính phủ bao trùm Ukraine kể từ cuối tháng 11/2013, sau khi Tổng thống Yanukovych từ chối ký một hiệp định kinh tế với với Liên minh châu Âu và thúc đẩy quan hệ với Nga. Moscow đã cam kết cho Ukraine vay 15 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Trong những tuần vừa qua, các cuộc biểu tình trở nên quá khích và biến thành cố gắng tổng lực đòi lãnh đạo 63 tuổi từ chức. Đây là cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Ukraine kể từ khi nước này giành độc lập năm 1991.
Đức Dương