Sau lễ ký văn kiện với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Obama dự kiến gặp bà Kim Ngân tại nhà sàn Hồ Chủ tịch, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Nhà sàn là một trong ba ngôi nhà gắn với một quãng đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong khuôn viên quần thể Khu lưu niệm tại Phủ Chủ tịch, cùng với nhà 54 và nhà 67.
Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn của đồng bào Tây Bắc: dài 10,5 m, rộng 6,2 m, có hai tầng. Tầng trên có hai phòng, mỗi phòng rộng trên dưới 10 m2 dùng làm phòng ngủ và phòng làm việc về mùa đông, ngôi nhà hoàn thành ngày 1/5/1958. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Nó không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử, mà còn là một di sản kiến trúc, văn hóa của Việt Nam.
Chuyên cơ của Tổng thống Mỹ khoảng 21h30 tối nay đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội, sớm hơn khá nhiều so với giờ dự kiến trước đó. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến lúc gần 19h.
Sáng mai, lễ đón chính thức Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào 10h30. Sau khi chụp ảnh lưu niệm, ông Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiến hành hội đàm, họp báo chung.
Sau khi gặp bà Ngân, Tổng thống Mỹ Obama dự tiệc chiêu đãi, hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chào xã giao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn tháp tùng tổng thống Mỹ đến Việt Nam có khoảng 800 người, trong đó có Ngoại trưởng John Kerry. Tuy nhiên bà Michelle Obama và các con gái không đi cùng ông.
Các lãnh đạo Việt Nam và Tổng thống Mỹ dự kiến tập trung thảo luận nhằm tăng cường quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, an ninh, giao lưu giữa nhân dân với nhân dân, cùng các vấn đề khu vực và thế giới. Quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước được xác lập vào năm 2013 khi nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm Mỹ.
Giới chuyên gia kỳ vọng ông Obama sẽ trao đổi với phía Việt Nam về vấn đề dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Theo các quan chức cấp cao của Mỹ, vấn đề Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Hà Nội được xem xét định kỳ. Năm 2014 Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí liên quan đến an ninh biển cho Việt Nam. Khi đó, Washington thông báo các hợp đồng mua bán sẽ được xem xét tùy từng trường hợp và nhân quyền là một vấn đề cần cân nhắc.
Phía Mỹ nhấn mạnh Việt Nam là đối tác của nước này trong việc bảo vệ Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc, trong giải quyết một cách hòa bình tranh chấp và căng thẳng trên Biển Đông, trong gìn giữ sông Mekong, nguồn tài nguyên đối với cuộc sống của hàng triệu người. Washington khẳng định sẽ tiếp tục trao đổi cách thức để tăng năng lực an ninh trên biển của Việt Nam.
Trong lĩnh vực kinh tế, các lãnh đạo hai nước dự kiến thảo luận về tác động chiến lược và kinh tế từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định chuyến thăm Việt Nam lần này của tổng thống Mỹ nhằm nêu bật cam kết của chính quyền Obama với việc tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương.
Chiều 24//5, sau khi có cuộc nói chuyện về quan hệ Việt - Mỹ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, tổng thống Mỹ sẽ lên đường vào TP HCM.
Việt Anh