Năm 2011, tôi sang Đức học nâng cao 6 tháng, trong đó có 2 tháng thực tập tại Bỉ. Hết 4 tháng ở Đức, tôi bắt tàu sang Bỉ. Khi tôi đang loay hoay với hai hành lý to thì cậu ta xuất hiện. Chúng tôi nhìn nhau một hồi. Cứ thế, người này chờ người kia lên tiếng trước. Và tôi lên tiếng. Có phải em là người Việt Nam không? Phải. Tôi mừng rỡ. Và câu chuyện bắt đầu.
Cậu ta xem chừng cũng muốn bắt chuyện với tôi vì trước tiên cậu ta muốn hỏi xem đây có đúng là tàu đi Brussels không. Chuyến tàu trước bị hoãn, cậu ta bị nhỡ tàu và lo lắng vì đó là chuyến cuối cùng trong ngày đi Brussels, sẽ không có chuyến kế tiếp và lại đang có người đợi.
Tôi hỏi cậu ta làm gì ở đây. Mặt tỉnh queo, cậu ta trả lời "Em làm nghề ăn cắp, móc túi". Tôi thoáng ngỡ ngàng. Tôi đang mang toàn bộ gia sản của mình và đứng trước một anh chàng làm nghề trộm cắp, nhưng nhanh chóng tôi lấy lại được bình tĩnh. Tôi vẫn tiếp tục cuộc trò chuyện một cách bình thường, thoải mái. Tôi thấy khuôn mặt cậu ta khá hiền lành, trông già trước tuổi, và có một điều là trong suốt cuộc nói chuyện khá dài, cậu ta không một lần dám nhìn thẳng vào mắt tôi.
Cậu ta cho biết quê ở Hà Tĩnh, một huyện nông thôn nghèo, sang Đức từ năm 19 tuổi. "Em đi cùng mấy người trong làng, mọi người rủ nhau thì em cũng đi. Em chưa học xong cấp 3, thấy nhiều người đi, rồi có tiền gửi về nhà giúp đỡ gia đình, thế là cũng đi thôi. Em mất một ít tiền cho người dẫn đường, chứ qua công ty xuất khẩu lao động thì mất nhiều tiền lắm. Bọn em vượt biên, đi bằng đường ôtô, mất 8 tháng mới sang được đến Đức"...
Rồi cậu ta chậm rãi kể về cuộc sống ở Đức: "Bọn em vào trại tị nạn. Mấy người Việt ở cùng với nhau và cùng nhau đi làm lậu. Ban đầu bọn em bán thuốc lá trên đường phố. Không phải công khai đâu chị, bán bí mật. Bỏ thuốc lá vào túi, người quen biết mình rồi thì cứ thế hỏi thôi. Rồi chuyển sang bán thuốc phiện. Cũng phải cẩn thận đấy, không thì bị bắt. Rồi cũng làm thêm nghề trộm cắp. Tháng cũng kiếm được hơn một nghìn. Nhưng dạo này làm ăn kém. Hồi trước làm ăn khá hơn, có tháng được 3-4 nghìn".
Tôi hỏi "Sao em không đi làm ở siêu thị, cửa hàng, hay kiếm một công việc nào đó?". Em trả lời "Em không biết tiếng. Sang đây 9 năm rồi nhưng không học được, có cố cũng không học được, em dốt học tiếng lắm. Với lại không có giấy tờ, không xin được việc. Làm thế này tự do hơn".
Cậu ta đưa cho tôi xem cái thẻ tạm trú đã quá cũ, rất nhanh, tôi nhìn ra cái tên “Nguyen Duy Hung”. Hưng hay Hùng? Hưng, nhưng cũng chỉ là tên giả thôi, không phải tên thật đâu. Sang đây, đến trại tị nạn, nói tôi bị mất hết giấy tờ, muốn khai tên nào thì được tên đó. Em không có hộ chiếu. Chỉ có cái thẻ này.
Khi tôi hỏi về dự định tương lai, mắt cậu ta nhìn xa xăm, nét mặt vừa lo lắng, vừa tràn trề hy vọng "Em sẽ qua Bỉ, rồi sang Anh, có mấy anh người Việt cũng ở đó, đang chờ để đón em ở Anh rồi".
"Thế bao giờ thì em về quê?". Em trả lời "Bố mẹ em cũng giục về lấy vợ, em bảo làm thêm dăm năm nữa, đến khi ngoài 32 tuổi thì về quê lấy vợ cũng chưa muộn. Về lúc đó cũng có lưng vốn, làm ăn. Việt kiều ra đường cũng oai, lấy ai chẳng được. Không lấy được gái tây đâu, chúng nó to cao lắm (cậu ta cao khoảng 1m6). Với lại nó không hợp với mình. Nhiều lúc cũng muốn về, nhưng về rồi thì sống làm sao. Ở đây em sống cũng chui lủi, nhưng tháng gửi được cho bố mẹ chục triệu đồng, trừ tiền ăn, tiền tiêu đi rồi, còn tiết kiệm được chút".
Tôi thấy ngạc nhiên là sau 9 năm ở Đức sinh sống, cậu ta chỉ có mỗi bộ quần áo trên người, một cái ba lô nhỏ xíu đeo sau lưng. Sang một nước khác sinh sống mà không có vali hòm xiểng gì cả. Cậu ta nói: "Em để lại hết cho các anh cùng sống với em, chỉ mang mỗi một bộ quần áo để thay đổi thôi".
Nhìn cậu ta khá mệt mỏi, tôi bảo cậu ta chợp mắt một lúc. Cậu ta ngồi trên sàn, nhắm mắt, nhưng không ngủ được, lại dậy nói chuyện với tôi. Cậu ta cần người chia sẻ, và đang có nhiều tâm trạng. Khi tôi xuống tàu, cậu ta giúp tôi chuyển đồ, và khi tàu đi rồi, cậu ta vẫn còn nhìn tôi đầy lưu luyến.
Cái ánh mắt buồn nhìn theo tôi khi tàu lăn bánh và cuộc gặp gỡ với cậu bé làm tôi ám ảnh suốt. Cách đây hai tuần, khi xem trên báo Anh có nói phát hiện 3.000 trẻ em Việt Nam sang Anh bị giữ hết giấy tờ và bắt làm nô lệ trồng cây thuốc phiện, lòng tôi lại nôn nao. Tôi luôn tự hỏi không biết giờ này em ở đâu và cuộc sống mới của em như thế nào, chỉ biết cầu mong một cuộc sống tốt đẹp rồi sẽ đến với em.
Đồng Thị Thương Hiền
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com