![]() |
Tòa nhà của sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội. |
"Quyết định đau đớn này là kết quả của việc Riksdag (nghị viện Thụy Điển) đã cắt giảm 300 triệu kronor (43,7 triệu USD) chi phí cho văn phòng chính phủ", Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Carl Bildt cho biết hôm qua.
Các đại sứ quán bị đóng cửa gồm có ở Brussels, Bỉ; Buenos Aires, Argentina; Hà Nội, Việt Nam; Kuala Lumpur, Malaysia; và Luanda, Angola. Việc giải tán sẽ diễn ra vào năm 2011.
Trên trang web của sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam hôm nay cũng công bố thông tin về việc đóng cửa và khẳng định lý do là vì bị cắt giảm ngân sách.
Đại sứ Thụy Điển ở Việt Nam Staffan Herrström viết: "Thụy Điển sẽ tìm nhiều cách khác để duy trì và nuôi dưỡng mối quan hệ của chúng tôi với Việt Nam. Tôi cũng sẽ làm hết sức có thể để đóng góp cho điều này trong thời gian còn lại ở Hà Nội", vị đại sứ mới nhậm chức từ đầu tháng 9/2010 viết.
Ông cũng chia sẻ những dòng xúc động về "những ngày đen tối" trước khi việc đóng cửa được thực thi. "Nhiều giọt nước mắt đã rơi trong hai ngày qua. Tôi cũng rơi nước mắt".
Đại sứ dành những dòng chia sẻ với các nhân viên của mình. "Tôi có những nhân viên người bản địa tuyệt vời. Ngày hôm nay suy nghĩ của tôi dành cho họ. Cho những thử thách sẽ đến với họ. Cho tương lai của họ".
Việc cắt giảm ngân sách dành cho hoạt động của chính phủ Thụy Điển được phe đối lập chiếm đa số trong nghị viện ủng hộ. Chính phủ trung tả của Thủ tướng Fredrik Reinfeldt được tái bầu hồi tháng 9 và thiếu hai ghế để nắm đa số.
Quyết định cắt giảm chi tiêu nói trên được thông qua với tỷ lệ sít sao, chỉ chênh một phiếu.
Phát biểu về việc đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam và một số quán ở các nước khác đóng cửa vì thiếu kinh phí, người phát ngôn ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho hay Việt Nam rất lấy làm tiếc.
"Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác và hữu nghị với Thụy Điển... và luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Thụy Điển mở lại đại sứ quán tại Việt Nam", bà Nga cho hay.
Hải Minh