"Tôi không nghĩ họ (quân đội) sẽ làm lại điều đó lần nữa", AFP dẫn lời Thủ tướng Yingluck Shinawatra hôm qua nói với các phóng viên nước ngoài. Bà cho biết những người tiến hành đảo chính loại bỏ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra cách đây 7 năm đã nhận ra rằng điều đó "không giải quyết được vấn đề gì cả".
Ông Thaksin bị phế truất trong cuộc đảo chính của quân đội năm 2006, khi Thái Lan ở trong tình trạng bất ổn chính trị và đôi khi xảy ra bạo lực đường phố. Ông hiện sống lưu vong để tránh án tù hai năm vì tội tham nhũng.
Những người biểu tình phe đối lập kêu gọi quân đội giúp họ loại bỏ chính quyền bà Yingluck. Tuy nhiên, trừ việc gửi binh sĩ không vũ trang tới hỗ trợ bảo vệ các tòa nhà chính phủ, quân đội Thái Lan cho đến nay vẫn đứng trung lập, tránh xảy ra xung đột.
Tổng chỉ huy quân đội, Tướng Prayut Chan-O-Cha, tuần trước cho biết vấn đề hiện tại nên được "giải quyết bằng chính trị".
Tòa án ở Thái Lan cũng từng có sự can thiệp chính trị, giải tán các bên và cấm thủ lĩnh của họ hoạt động. Một số nhà quan sát tin rằng những cáo buộc về tham nhũng đối với đảng cầm quyền có thể trở thành nền tảng cho một cuộc "đảo chính tư pháp". Tuy nhiên, bà Yingluck tự tin rằng đảng của mình có thể tự bảo vệ trước những lời cáo buộc như vậy.
Thủ tướng Yingluck phải đối mặt với nhiều cuộc biểu tình của phe đối lập nhằm thay thế chính phủ hiện tại bằng một "hội đồng nhân dân" và đưa vương quốc thoát khỏi sự ảnh hưởng của Thaksin. Phe đối lập cho rằng Thaksin đang kiểm soát chính quyền của em gái mình từ Dubai, nơi ông sống lưu vong.
Trong nỗ lực nhằm giảm bớt tình trạng căng thẳng, bà Yingluck hôm 9/12 kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử sớm, ấn định vào ngày 2/2/2014. Hôm qua bà cho biết chưa quyết định có tiếp tục tranh cử thủ tướng tiếp hay không.
Thái Lan từng chứng kiến 18 cuộc đảo chính thực tế và nỗ lực đảo chính kể từ khi trở thành quốc gia quân chủ lập hiến vào năm 1932.
Nguyễn Tâm