Thủ tướng Nhật Abe sẽ có bài phát biểu tại tọa đàm giữa doanh nghiệp Việt Nam và 25 doanh nghiệp Nhật tháp tùng ông vào sáng ngày 17/1 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua cho biết.
Trong số đại diện 25 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật tham gia sự kiện này, có chủ tịch các tập đoàn lớn, chuyên về phát triển cơ sở hạ tầng và thương mại tổng hợp. Tọa đàm do Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam chủ trì, Bộ Công thương, Giao thông vận tải, Y tế và các tổng công ty lớn của Việt Nam tham dự.
Thủ tướng Nhật Abe và phu nhân ngày 16/1 sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam kéo dài hai ngày. Theo Bộ Ngoại giao, với chuyến thăm của Thủ tướng Abe, Việt Nam thể hiện việc coi Nhật là đối tác quan trọng và lâu dài, mong tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của Thủ tướng Nhật Abe. Trong chuyến thăm lần thứ nhất vào 2006, ông Abe đã xác lập khuôn khổ quan hệ "hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược", đặt tiền đề cho việc nâng cấp quan hệ hai nước lên cấp này vào năm 2014. Chuyến thăm thứ hai diễn ra vào năm 2013, ngay sau khi ông Abe được bầu làm thủ tướng nhiệm kỳ hai.
Chuyến thăm này của ông Abe diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ và thực chất. Hiện Nhật là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Trong năm tài khóa 2015, Nhật Bản cam kết vốn vay ODA cho Việt Nam hơn 310 tỷ Yên (khoảng 2,5 tỷ USD), mức cao nhất từ trước đến nay.
Kim ngạch thương mại hai chiều 11 tháng đầu năm 2016 đạt 26,8 tỷ USD. Lũy kế tính đến 11/2016, Nhật có hơn 3.200 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 42 tỷ USD, đứng thứ hai trong tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (sau Hàn Quốc).
Về an ninh - quốc phòng, Nhật và Việt Nam hợp tác nhằm nâng cao việc thực thi pháp luật trên biển và nâng cao năng lực cho Việt Nam. Nhật đã cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam và có thể có cam kết lớn hơn.
Trước tranh chấp Biển Đông, Nhật Bản khẳng định cần đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; ủng hộ quan điểm các tranh chấp tại Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tuân thủ DOC và sớm xây dựng COC, phản đối các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam hôm qua cho biết chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Abe nằm trong chuyến công du các nước Đông Nam Á gồm Philippines, Indonesia và đến Australia. Mục đích chuyến thăm Việt Nam nhằm khẳng định trong bối cảnh chính sách hướng nội và dân tuý gia tăng, trước sự bất ổn chính trị, an ninh và kinh tế trên toàn cầu, Nhật sẽ đóng vai trò đi đầu trong thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa các nước châu Á – Thái Bình Dương.
Theo chương trình dự kiến, lễ đón chính thức Thủ tướng Abe diễn ra vào gần 15h chiều ngày 16/1 tại Phủ Chủ tịch. Tiếp đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Abe có hội đàm, chứng kiến lễ ký kết văn kiện giữa đại diện hai nước. Thủ tướng Abe sẽ đến chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chào xã giao Chủ tịch nước Trần Đại Quang và hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Ngày 17/1, ông Abe sẽ tiếp xã giao Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Việt – Nhật Phạm Minh Chính; gặp gỡ giám đốc và một số cán bộ, sinh viên của Trường Đại học Việt – Nhật.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, các doanh nghiệp Nhật cũng sẽ tham dự cuộc tọa đàm với lãnh đạo các địa phương Việt Nam, với đại diện từ 30 tỉnh thành. Hai bên dự kiến ký kết các văn kiện liên quan đến biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng. Chuyến thăm của ông Abe cũng diễn ra trong khi hai nước đang chuẩn bị cho chuyến thăm cấp Nhà nước của Nhà vua và Hoàng hậu, dự kiến vào tháng 3 năm nay.
Phu nhân Thủ tướng Nhật Abe, bà Akie Abe sẽ đến thăm Làng Hòa bình vào chiều 16/1 , gặp gỡ một số thành viên từng tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á.
Việt Anh