Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hôm qua trao đổi với VnExpress về chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Barack Obama, chính sách xoay trục sang châu Á khi Mỹ có tổng thống mới và hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
- Vị trí của Việt Nam trong chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ là như thế nào?
- Chuyến thăm của tôi, và quan trọng hơn là chuyến thăm của Tổng thống Obama, là minh chứng cho thấy tầm quan trọng của chính sách tái cân bằng tại châu Á, tăng cường và làm sâu sắc mối quan hệ của chúng tôi với các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Chúng tôi đã làm việc đó bằng nhiều cách như: củng cố quan hệ với các đối tác lâu năm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, và không kém phần quan trọng là củng cố quan hệ với các đối tác mới như Việt Nam. Chúng tôi rất háo hức về triển vọng và tiềm năng của quan hệ đối tác đó. Chúng tôi thấy Việt Nam là một đất nước trẻ, một đất nước của những người khởi nghiệp, hướng về tương lai.
Vì vậy, có rất nhiều sự tập trung vào Việt Nam, đó là lý do vì sao Tổng thống Obama sẽ đến đây. Chúng tôi muốn hỗ trợ thành công của Việt Nam khi các bạn đang trỗi dậy và đang nỗ lực đạt được tiềm năng toàn diện của người Việt. Theo tôi, tiềm năng đó là không có giới hạn.
- Ông Obama đã thăm Myanmar vào năm 2012, Philippines và Indonesia vào năm ngoái. Ông thăm Việt Nam khi còn vài tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ, vì sao ông lại chọn thời điểm này?
- Tổng thống Obama rất muốn thăm Việt Nam. Qua trao đổi, tôi biết tổng thống trông ngóng đến đây vào tháng tới. Chuyến thăm rõ ràng là minh chứng cho thấy Mỹ muốn tăng cường quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Ngoại trưởng John Kerry và nhiều quan chức cấp cao đã đến Việt Nam. Tôi nghĩ rằng chuyến thăm sẽ là một dấu mốc quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama. Ông sẽ gửi đi thông điệp rất mạnh mẽ đến khắp thế giới về việc tăng cường quan hệ.
Tổng thống Obama đã đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở phòng Bầu Dục tại Nhà Trắng vào mùa hè năm ngoái. Chúng ta đã có một năm rất đặc biệt trong quan hệ hai nước, kỷ niệm dịp thiết lập quan hệ ngoại giao và quan trọng không kém là xây dựng tương lai cùng nhau. Vì vậy, tôi nghĩ rằng rất hợp lý khi tổng thống ghi dấu nhiệm kỳ của mình bằng chuyến thăm Việt Nam. Chuyến thăm này có ý nghĩa biểu tượng, quan trọng và mạnh mẽ.
Video: Thứ trưởng Mỹ nói về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama
- Có thể mong đợi kết quả cụ thể gì từ chuyến thăm này?
Tôi nghĩ rằng phải đợi chuyến thăm nói lên tất cả, nhưng điều rõ ràng là chúng tôi đang làm việc với Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, và chuyến thăm sẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư, phát triển kinh tế, tăng cường quan hệ nhân dân hai nước và hợp tác trong các vấn đề toàn cầu. Đương nhiên, Tổng thống Obama sẽ bàn bạc về TPP, tác động của hiệp định đến Mỹ và Việt Nam và người dân trong khu vực.
Tôi cũng chắc chắn rằng ngoài các nhà lãnh đạo, ông Obama cũng mong muốn gặp người Việt từ mọi tầng lớp, đặc biệt là thanh niên. Ông Obama rất tin tưởng vào tương lai những người trẻ của hai nước sẽ hiểu lẫn nhau, làm việc, học tập, sáng tạo cùng nhau.
- Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một trong những trọng tâm trong chính sách tái cân bằng châu Á của Mỹ. Năm sau, Mỹ sẽ có tổng thống mới, nhưng những ứng viên sáng giá như Hillary Clinton và Donald Trump dường như không ủng hộ TPP. Nhiệm kỳ tổng thống mới sẽ ảnh hưởng thế nào đến chính sách xoay trục về châu Á?
- Khó có thể đoán được tương lai nhưng tôi tin rằng khi xem xét kỹ lưỡng, hầu hết người Mỹ sẽ kết luật rằng TPP tốt cho tất cả mọi người.
Tại Mỹ, đôi khi thương mại trở thành vấn đề chính trong các cuộc tranh luận của ứng viên tổng thống. Nhưng với tinh thần nhất quán, những người điều hành nhà nước, dù là đảng Cộng hòa hay Dân chủ, cũng đều nỗ lực thúc đẩy tự do thương mại.
Trong trường hợp TPP, quốc hội Mỹ đã biểu quyết về quyền xúc tiến thương mại (TPA, hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh), và việc biểu quyết đó cho thấy rằng phần lớn nghị sĩ trong quốc hội ủng hộ TPA và ủng hộ TPP.
Tôi tin rằng, TPP, khi được trình ra trước quốc hội, sẽ được phần lớn nghị sĩ ủng hộ và được đi vào hiệu lực. Tôi hy vọng việc đó có thể hoàn thành trong năm nay.
- Nhiều nước đã phản đối Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng chưa đủ để ngăn chặn hành động của họ. Mỹ có thể làm gì thêm nữa?
Chúng tôi lo ngại về hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và các khu vực khác. Mỹ không phải là quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông nhưng Washington rất quan tâm đến cách các nước theo đuổi tuyên bố chủ quyền và lo ngại về các hành vi của Trung Quốc. Nước này đôi khi hành động quyết liệt, không tuân thủ quy định quốc tế và tự do đi lại.
Chúng tôi đã bày tỏ rõ ràng và trực diện lo ngại với Trung Quốc trong nhiều dịp, chẳng hạn như cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Washington vài tuần trước. Chúng tôi thể hiện rõ ràng rằng Mỹ mong Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các khác biệt bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng quyền tự do đi lại.
Nếu Trung Quốc không làm vậy, nước này đang tự làm mất uy tín của họ, và sẽ đối mặt với nhiều chỉ trích và lo ngại từ các nước trong và ngoài khu vực. Chúng tôi muốn nhìn thấy một Trung Quốc thành công, hành động có trách nhiệm khi nước này đang nổi lên như một cường quốc.
- Mong đợi của ông về quan hệ Việt - Mỹ trong tương lai, sau khi chúng ta đã qua mốc 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?
Tôi nghĩ quan hệ Việt - Mỹ là câu chuyện có sức mạnh rất lớn đối với toàn thế giới. Đó là minh chứng mạnh mẽ nhất cho thấy cựu thù có thể trở thành bạn, đối tác, và làm việc cùng nhau vì tương lai chung. Bài học từ câu chuyện đó càng quan trọng hơn bao giờ hết khi thế giới đang có rất nhiều cuộc xung đột. Tôi nghĩ rằng Việt Nam và Mỹ có thể ngẩng cao đầu với bài học chúng ta mang đến cho thế giới.
Khi nhìn lại lịch sử khó khăn, điều quan trọng là tập trung vào tương lai. Tôi tin rằng tiềm năng cho quan hệ Việt - Mỹ sẽ không có giới hạn.
Video: Thứ trưởng Blinken nói về triển vọng quan hệ Việt - Mỹ
Thùy Trang - Phương Vũ